Huyện Lộc Hà tiếp tục huy động nguồn lực, đầu tư phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ
EmailPrintAa
17:18 11/10/2021

Huyện Lộc Hà có đường bờ biển dài 12km, cảng cá Thạch Kim; có Quốc lộ 281 và Quốc lộ ven biển đi qua; có một số làng nghề truyền thống, như: Nghề đánh bắt, chế biến hải sản ở xã Thạch Kim; nghề làm muối ở xã Hộ Độ, xã Thạch Châu; nghề làm hương, chổi đót ở xã Thạch Mỹ... Trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, là điều kiện thuận lợi để Huyện phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ.

Trung tâm thị trấn Lộc Hà

Ngày 28/6/2017,  Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển Thương mại - Du lịch - Dịch vụ giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định vai trò trọng tâm của ngành thương mại - du lịch - dịch vụ đối với sự phát triển kinh tế của huyện. Ủy ban nhân dân huyện đã cụ thể hóa, xây dựng Đề án nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết. Là huyện có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy và chính quyền đã quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ban hành một số chính sách, cơ chế thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và các công trình, dự án tại địa phương.

Từ năm 2017 đến năm 2021, huyện Lộc Hà đã kêu gọi, đầu tư nguồn lực để xây dựng hạ tầng du lịch biển với tổng kinh phí 62 tỷ đồng; hoàn thành rải thảm nhựa tuyến đường trong kè biển đoạn từ xã Thạch Kim đến thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc với kinh phí 6,9 tỷ đồng; đưa vào sử dụng tuyến Quốc lộ ven biển Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà) đến xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà) và tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót. Hiện địa phương đang phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần GS Holding và các đơn vị tư vấn báo cáo Tổ hợp Dự án sân golf, khách sạn và biệt thự cao cấp ở xã Thịnh Lộc với quy mô gần 115 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng…

Công viên nước Vinpearl Cửa Sót

Bên cạnh đó, hệ thống chợ nông thôn được quan tâm đầu tư, hệ thống phân phối, siêu thị, cửa hàng bán buôn, bán lẻ rộng khắp, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh; tổ chức kết nối kích cầu du lịch biển với 22 tỉnh, thành phố trên cả nước; phối hợp sản xuất 03 phim quảng bá hình ảnh du lịch, 05 phóng sự, 03 chương trình giới thiệu về hệ thống quần thể di tích, danh thắng và di tích lịch sử văn hóa của huyện. Từ năm 2017 - 2020, du lịch biển đã thu hút, đón khoảng 980 ngàn lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy vậy, trong 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng giảm so với cùng kỳ các năm trước.

Ngành Thương mại - Du lịch - Dịch vụ của huyện đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao, cải thiện đời sống của Nhân dân, làm thay đổi diện mạo của huyện ven biển. Từ năm 2017 - 2020, tổng giá trị sản xuất Thương mại - Dịch vụ - Du lịch trên địa bàn huyện chiếm 35,91% trong cơ cấu kinh tế. Tuy vậy, việc thực hiện Đề án phát triển Thương mại - Du lịch - Dịch vụ trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, như: Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược để đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn và cao cấp; sản phẩm du lịch chưa phong phú; cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng chưa đồng bộ; một số địa phương lúng túng trong quy hoạch, bố trí quỹ đất để hình thành trung tâm thương mại…

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy thế mạnh, đưa Thương mại - Du lịch - Dịch vụ trở thành ngành kinh tế trọng điểm, huyện Lộc Hà cần tập trung rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra. Tiếp tục xây dựng các chính sách kích cầu, tạo đà và huy động, xã hội hóa ngân sách, vốn đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp. Đối với các xã, thị trấn trong kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030, khi xây dựng quy hoạch Nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu, cần bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng trung tâm thương mại, buôn bán hàng hóa, dịch vụ tại địa phương. Tiếp tục khai thác lợi thế về du lịch văn hóa, sinh thái và cảnh quan thiên nhiên gắn với phát triển du lịch văn hóa, tâm linh như: Đền Vua Mai, chùa Chân Tiên, chùa Kim Dung, chùa Trúc Lâm Thanh Lương, đền Lê Khôi... để hình thành các tour du lịch. Chú trọng phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn và các khu giải trí theo quy hoạch, đạt chuẩn.

Nguyễn Thị Thùy (Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà)


    Ý kiến bạn đọc