Lãnh đạo Huyện kiểm tra việc kêu gọi tàu thuyền vào cảng cá Cửa Sót trú tránh cơn bão số 2 vừa qua |
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các địa phương, các phòng, ban, ngành triển khai thực thực hiện. Trước hết là tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống thiên tai, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hạn chế tối đa thiệt hại.
Khi có dự báo về nguy cơ bão lụt ảnh hưởng đến Hà Tĩnh, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến cơ sở được triển khai kịp thời. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án di dời dân, tu bổ đê, kè, hồ, đập xung yếu… được chủ động triển khai, sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ), tránh bị động, bất ngờ. Khi có mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện và cơ sở chỉ đạo huy động mọi lực lượng, phương tiện ứng phó, đặc biệt là phát huy vai trò chủ động, xung kích của lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng, Điện lực, đoàn viên thanh niên…
Nhiều địa phương thời gian qua làm tốt công tác này. Là xã ven biển, có cửa Sót, xã Thạch Bằng luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền nhân dân chủ động các phương án phòng, chống lụt bão, nhất là ở các vùng nuôi trồng thủy sản, các hộ dân có tàu thuyền, sinh sống và khai thác đánh bắt ven biển. Vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể, lực lượng, nhất là Đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ được phát huy, kịp thời ứng cứu khi cần thiết.
Xã An Lộc có thôn Quyết Thắng thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão của thôn và xây dựng đội ứng cứu tình huống khẩn cấp. Ban cán sự thôn thường xuyên tuyên truyền, cập nhật tin tức, thông báo trên hệ thống phát thanh về tình hình mưa bão và phương án phòng, chống để người dân biết, thực hiện. Nhờ đó, những năm qua, đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lụt.
Dự báo năm 2017 tình hình thiên tai, bão lụt có thể xảy ra bất thường. Do vậy, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn toàn huyện, xác định các vùng trọng điểm có thể bị ảnh hưởng để chỉ đạo các đơn vị, địa phương, nhân dân chủ động phòng, chống, bố trí kinh phí đầu tư các trang thiết bị theo yêu cầu. Các xã có nguy cơ bị ngập lụt cao, có các phương án phòng tránh, tuyên truyền nhân dân xây dựng chuồng trại tránh lụt cho gia súc, gia cầm; chuẩn bị các phương tiện, lương thực, thực phẩm khô, đồ ăn thức uống tiện dụng để dự phòng và sẵn sàng di dời khi có bão lụt xảy ra.
Với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành, đoàn thể cùng với ý thức, sự chuẩn bị của nhân dân, tin rằng huyện Lộc Hà sẽ làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới.
Lê Thị Trâm Anh - Đài Truyền thanh - Truyền hình Lộc Hà
Tin mới cập nhật
- Huyện ủy Hương Sơn tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ( 17/12)
- Huyện Kỳ Anh hoàn thành Đại hội Chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2024 - 2027 ( 12/12)
- Huyện Đức Thọ tập trung thực hiện chuyển đổi số ( 10/12)
- Đoàn Công tác chỉ đạo thị xã Kỳ Anh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh ( 09/12)
- Huyện Thạch Hà tích cực chuẩn bị đại hội Đảng các cấp ( 28/11)
- Huyện ủy Hương Khê tổ chức học tập, quán triệt các quyết định, quy định, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh ( 22/11)