Lộc Hà tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW; Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 08-NQ/TU
EmailPrintAa
16:54 24/05/2018

Sáng ngày 23/5/2018, Huyện ủy Lộc Hà tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X: Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30/01/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổng kết 09 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 19/5/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Đồng chí Trần Nam Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Các đồng chí chủ trì Hội nghị

Sau khi được thành lập (năm 2007), Đảng bộ huyện Lộc Hà tập trung thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, trong đó có Nghị quyết số 22-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết số 08-NQ/TU.

Đội ngũ cán bộ từng bước được đào tạo, quy hoạch, sắp xếp theo hướng tinh gọn, chuẩn hóa. Các cấp ủy, tổ chức Đảng duy trì thường xuyên chế độ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Nhìn chung, nội dung sinh hoạt được đổi mới, phát huy dân chủ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Công tác phát triển đảng viên mới được các cấp ủy thường xuyên quan tâm. Hiện Đảng bộ huyện có 32 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc (13 đảng bộ nông thôn, 06 đảng bộ khối cơ quan và 13 chi bộ khối cơ quan, đơn vị, trường học), 168 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, 4.325 đảng viên.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết 08-NQ/TU, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; khẳng định tín đúng đắn, hiệu quả của các nghị quyết đối với việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng bình quân của ngành đạt 8,17% năm, tổng giá trị tăng từ 375,3 tỷ đồng năm 2008 lên 761,1 tỷ đồng năm 2017; giá trị sản phẩm trồng trọt tăng từ 38,9 triệu đồng/ha năm 2008 lên 48,4 triệu đồng/ha năm 2017; giá trị sản phẩm thủy sản tăng từ 70,37 triệu đồng/ha năm 2008 lên 150,33 triệu đồng/ha năm 2017...

Tuy nhiên, bênh cạnh kết quả đạt được, việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện các nghị quyết có nơi, có lúc chưa thật sự nghiêm túc, thiếu sâu sát thực tế. Một số cấp ủy đảng chậm đổi mới phương thực hoạt động, chưa thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, chất lượng sinh hoạt còn thấp. Việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số tình huống phát sinh, nhất là tình huống liên quan đến sự cố môi trường biển còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm nghiêm túc... Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn thiếu tập trung, hiệu quả còn thấp. Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng đến nay Lộc Hà vẫn chưa có được các sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người nông dân...

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ huyện Lộc Hà đã đạt được sau 10 năm thực hiện các nghị quyết nói trên. Trong thực hiện Nghị quyết 22- NQ/TW, Lộc Hà đã củng cố, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, vai trò lãnh đạo được phát huy... Tuy nhiên, Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nhất là trong công tác cán bộ; đề nghị Huyện ủy Lộc Hà, thời gian tới, trên cơ sở quy định của cấp trên, cần xây dựng văn bản về tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đánh giá đúng, thực chất của từng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phân tích: Nông nghiệp là ngành là nghề; nông thôn là địa bàn để người dân sinh sống; còn nông dân là chủ thể, là động lực và cũng là mục tiêu để xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chính sách “tam nông” ở huyện Lộc Hà, thời gian qua, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên... Tuy nhiên, Lộc Hà vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, những năm tới, Lộc Hà cần phát huy hơn nữa thế mạnh là lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; thực hiện xây dựng nông thôn mới theo hướng không có đích cuối cùng; đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm...

Đồng chí Trương Thanh Huyền, Bí thư Huyện ủy phát biểu kết luận, đề nghị các tổ chức cơ sở Đảng, các đại biểu dự Hội nghị tiếp thu, tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã được xây dựng và ý kiến của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị tùy theo điều kiện, nhiệm vụ của mình, cần nêu cao vai trò trách nhiệm, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, đưa các nghị quyết phát huy hiệu quả hơn nữa trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng tỉnh nhà.

Lê Thị Trâm Anh, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Lộc Hà


    Ý kiến bạn đọc