Những chuyển biến tích cực trong phong trào khuyến học ở thành phố Hà Tĩnh
EmailPrintAa
17:04 06/06/2017

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng của nhân dân nên phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở thành phố Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tĩnh khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học  

Tổ chức Hội Khuyến học từ Thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, trong đó 13/16 phường, xã có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội chuyên trách; xây dựng được đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, uy tín, tâm huyết; các hình thức hoạt động Hội khá phong phú. Tỷ lệ tập hợp hội viên ngày càng tăng (năm 2007 có 10.800 hội viên, đến năm 2016 có 15.823 hội viên, tăng 46,5%). Đến cuối năm 2016, có 16.912/19.622 hộ gia đình đăng ký đạt “Gia đình học tập” (tỷ lệ 86,19%); 72/99 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập” (72,72%); 88/122 tổ dân phố đăng ký đạt thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” (72,13%); 32/35 đơn vị đăng ký đạt “Đơn vị học tập” (91,42%); 100% hội khuyến học, 100% ban khuyến học, dòng họ, 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có Quỹ Khuyến học, tiêu biểu là phường Đại Nài và các xã Thạch Hạ, Thạch Trung; dòng họ Lê Văn, Lê Đình (phường Thạch Linh) dòng họ Trần Hữu (phường Thạch Quý)… Trong 10 năm qua, tổng cộng đã vận động được nguồn quỹ 16 tỷ đồng, trong đó năm 2016 vận động được gần 03 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2007; đã khuyến dạy, khuyến học, khuyến tài cho 156.666 lượt giáo viên, học sinh, sinh viên với số tiền 12 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn đầu tư của Nhà nước cho các trường công lập, các trường tư thục đã đầu tư gần 180 tỷ đồng xây mới trường học và đã thu hút trên 1/3 số trẻ trong độ tuổi đến trường, hàng năm giảm chi cho ngân sách nhà nước trên 15,2 tỷ đồng. Hầu hết các Trung tâm Học tập cộng đồng đã chủ động vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội, khai thác nguồn từ các dự án để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trong 10 năm qua, thành phố Hà Tĩnh đã xây dựng được 270 mô hình Gia đình hiếu học và Gia đình học tập tiêu biểu; 20 Dòng họ hiếu học, Dòng họ học tập tiêu biểu; 16 Khu dân cư khuyến học và 18 Chi hội học tập tiêu biểu; 6 phường, xã và 4 Ban Khuyến học các cơ quan, đơn vị tiêu biểu. Đã thực hiện tốt công tác phổ cập cho trẻ 5 tuổi đối với bậc học mầm non, phổ cập đúng độ tuổi bậc tiểu học, phổ cập trình độ trung học cơ sở và từng bước thực hiện chương trình phổ cập bậc trung học phổ thông. Trong số 45 trường học của 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đã có 32 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, đạt tỷ lệ 71,1%, trong đó có 6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

Phát huy kết quả đạt được, để đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thời gian tới, thành phố Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh và Thành phố về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Xây dựng, củng cố Hội Khuyến học các cấp vững mạnh để phối hợp chặt chẽ với Ngành Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng; thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban khuyến học dòng họ, Ban khuyến học các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chương trình phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng xã hội học tập. Thực hiện việc đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập của các xã, phường, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, đưa xây dựng xã hội học tập là nội dung bắt buộc trong chương trình, kế hoạch hoạt động, tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm và từng giai đoạn. Phấn đấu thành phố Hà Tĩnh được công nhận đơn vị cộng đồng học tập cấp huyện vào năm 2020.  Thứ ba, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên Thành phố, các trung tâm học tập cộng đồng. Củng cố mạng lưới các cơ sở giáo dục, xây dựng điển hình và đại trà các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động khuyến học, khuyến tài, huy động các nguồn lực xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài ở tất cả các tổ chức từ thôn, tổ dân phố, phường, xã, dòng họ, trường học, cơ quan, đơn vị; đồng thời quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích và hiệu quả. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng “Quỹ học tập suốt đời” để hỗ trợ người lao động học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp, hoặc đào tạo lại cho những người chuyển đổi nghề nghiệp.

Thứ năm, thường xuyên chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và tuyên dương khen thưởng, nhân rộng các các mô hình hay, có hiệu quả và các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện phong trào khuyến học, xây dựng xã hội học tập ở các địa phương, đơn vị.

Trần Hậu Quang - Văn phòng Thành ủy Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc