Ngã ba Đồng Lộc (nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Đồng Lộc là trung tâm cụm xã miền núi phía Tây Nam huyện Can Lộc, diện tích tự nhiên 1.869ha; có Quốc lộ 15, quốc lộ 15B, Tỉnh lộ 6 đi qua, cách thị trấn huyện Can Lộc 06 km, cách thành phố Hà Tĩnh 25km. Trên địa bàn có Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trong hệ thống các di tích trên tuyến đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) với nhiều công trình đã được xây dựng như: Khu mộ 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông, cụm tượng 10 nữ thanh niên xung phong và nhiều công trình khác đang được chỉnh trang, đầu tư xây dựng. Đây là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, là điểm du lịch tâm linh, hàng năm thu hút trên 300.000 lượt đồng bào và du khách đến thăm. Đồng Lộc có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, là đầu mối giao thông của khu vực, có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển ngành du lịch, dịch vụ.
Xuất phát từ vị trí và tiềm năng của xã Đồng Lộc, các cấp, các ngành đã có chủ trương đầu tư xây dựng xã Đồng Lộc trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Tây Nam huyện Can Lộc. Ngày 05/01/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND về việc quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc đến năm 2025.
Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, xã Đồng Lộc đã đạt được kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, đặc biệt giai đoạn 2014 - 2017 bình quân đạt 13,2%/năm. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại; thu ngân sách năm 2017 đạt 22,4 tỷ đồng (toàn huyện đạt 131 tỷ đồng). Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, hệ thống các công trình hạ tầng từng bước được đầu tư... Do đó phát sinh yêu cầu giải quyết tốt các vấn đề quản lý quy hoạch; quản lý, sử dụng đất; xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, nước và các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, du lịch; cấp phép xây dựng nhà ở, cấp phép kinh doanh... Thực tiễn công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đòi hỏi sự ra đời của một bộ máy chính quyền đô thị quy mô thị trấn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Đối chiếu với quy định tiêu chuẩn thị trấn tại Điều 9 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính:
Thứ nhất, quy mô dân số từ 8.000 người trở lên. Đối với thành lập đơn vị hành chính đô thị ở miền núi, vùng cao, biên giới hoặc khu vực có giá trị đặc biệt về di sản văn hóa, lịch sử và du lịch đã được cấp có thẩm quyền công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế thì tiêu chuẩn dân số có thể thấp hơn nhưng phải đạt từ 50% trở lên (theo Điểm b, Khoản 2, Điều 31 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13). Thực tế, dân số xã Đồng Lộc tính đến hết năm 2017 là 6.076 người, trong đó dân số thường trú 4.981 người, dân số tạm trú quy đổi 1.095 người. Đồng Lộc là xã miền núi có Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, do vậy đáp ứng tiêu chuẩn về dân số.
Thứ hai, diện tích tự nhiên từ 14km 2 trở lên. Xã Đồng Lộc có diện tích tự nhiên 18,69km 2 .
Thứ ba, đã được công nhận là đô thị loại IV hoặc loại V. Xã Đồng Lộc đã được công nhận là đô thị loại V tại Quyết định số 2832/QĐ-UBND, ngày 02/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thứ tư, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Cụ thể: Xã Đồng Lộc đã cân đối được thu chi ngân sách, năm 2017 tổng thu 22,4 tỷ đồng, tổng chi 22,4 tỷ đồng. Kết quả điều tra tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm 2015 - 2017 là 8,12%, cao hơn mức bình quân chung của huyện Can Lộc (7,46%). Tuy nhiên, thời gian qua, nhất là trong quý I/2018, hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (24/7/1968 - 24/7/2018), với sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan cấp Trung ương, cấp tỉnh và một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế, chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân. Theo khảo sát, tính đến ngày 15/3/2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 5,05%, thấp hơn mức bình quân toàn huyện. Về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: Quy định từ 65% trở lên, trong khi xã Đồng Lộc đã đạt 65,7%. Như vậy, xã Đồng Lộc đã đạt 4/4 tiêu chuẩn của thị trấn.
Quy hoạch thị trấn Đồng Lộc
Việc thành lập thị trấn Đồng Lộc có ý nghĩa quan trọng, sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập do quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách trên địa bàn; tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Thị trấn Đồng Lộc hình thành cũng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh khu vực Tây Nam huyện Can Lộc. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Đề án “Thành lập thị trấn Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh”. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua, đông đảo cử tri có ý kiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét công nhận Đồng Lộc là thị trấn. Sắp tới sẽ diễn ra các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2018), nếu như Đồng Lộc trở thành thị trấn sẽ là cơ sở, động lực để cấp ủy, chính quyền nhân dân nỗ lực phấn đấu xây dựng vùng đất giàu truyền thống này ngày càng phát triển.
Đặng Ngọc Bảo - Văn phòng Tỉnh ủy
Tin mới cập nhật
- Huyện ủy Hương Sơn tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ( 17/12)
- Huyện Kỳ Anh hoàn thành Đại hội Chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2024 - 2027 ( 12/12)
- Huyện Đức Thọ tập trung thực hiện chuyển đổi số ( 10/12)
- Đoàn Công tác chỉ đạo thị xã Kỳ Anh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh ( 09/12)
- Huyện Thạch Hà tích cực chuẩn bị đại hội Đảng các cấp ( 28/11)
- Huyện ủy Hương Khê tổ chức học tập, quán triệt các quyết định, quy định, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh ( 22/11)