Thạch Hà sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
EmailPrintAa
17:16 03/04/2019

Sau hơn một năm thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, huyện Thạch Hà đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong điều hành lãnh đạo, chỉ đạo.

Lễ bàn giao nhiệm vụ y tế học đường, nhân viên y tế từ các trường học ​về các trạm y tế xã, thị trấn

Xã Thạch Thanh là một trong những xã đi đầu trong việc sắp xếp vị trí việc làm gắn với khoán quỹ lương cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, cấp thôn. Đảng ủy đã khảo sát, xây dựng đề án và triển khai việc sắp xếp một cách linh hoạt, bố trí, phân công đúng người, đúng việc, tạo động lực để cán bộ yên tâm công tác, phấn đấu. Thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 02/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định 29/2013-CP, ngày 8/4/2013 của Chính phủ, trên cơ sở năng lực, trình độ, thực tiễn công tác, xã đã phân công, bố trí cho mỗi cán bộ bán chuyên trách thêm 2 - 3 đầu việc, với mức lương từ 1,8 - 3 triệu đồng (trước đây dưới 1,8 triệu đồng). Đến thời điểm này, từ 16 chức danh bán chuyên trách cấp xã, nay còn 8 chức danh. Ở thôn, giảm từ trên 12 cán bộ/thôn xuống còn 7 - 8 cán bộ/thôn. Khoán quỹ lương gắn với sắp xếp đã đánh giá đúng thực chất năng lực, trình độ, khai thác, phát huy trí tuệ của từng cán bộ ở từng vị trí công tác.

Cũng với cách làm này, đến nay xã Tượng Sơn cũng đã tiến hành sắp xếp lại một số chức danh bán chuyên trách như phó chủ tịch nông dân kiêm khuyến nông, thú y, phó bí thư đoàn thanh niên kiêm truyền thanh xã… và theo lộ trình, đến năm 2020 cán bộ bán chuyên trách giảm từ 14 người xuống còn 8 người.

Cho đến nay, 31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phê duyệt đề án và tiến hành khoán kinh phí cho người hoạt động không chuyên trách ở các xã, thị trấn; tinh giản cán bộ, người hoạt động không chuyên trách ở thôn gắn với khoán kinh phí. Một số xã đã tiến hành phân công kiêm nhiệm một số chức danh chuyên trách nhằm tạo tiền đề để sắp xếp, giảm đội ngũ cán bộ chuyên trách, công chức theo đề án như bố trí phó bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (Thạch Kênh, Thạch Lâm), Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (Thạch Đài)…

Để sắp xếp tổ chức bộ máy, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo xây dựng đề án tổng thể chung của huyện, 12 tiểu đề án cấp huyện, 31 đề án cấp xã. Theo đó, Khối Đảng, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện phê duyệt 03 đề án: thành lập Cơ quan chung Khối dân; đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả các Ban xây dựng Đảng, Ủy ban kiểm tra, Văn phòng Huyện ủy và sáp nhập, nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo kiêm giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Xây dựng 8 Đề án Khối chính quyền, đơn vị sự nghiệp công lập, các ngành: đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn; cơ cấu lại Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện; sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện; giải thể Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện; tổ chức lại các hội cấp huyện; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các khối trung học cơ sở, tiểu học, mầm non trên địa bàn huyện; thành lập Trung tâm Y tế cấp huyện đa chức năng; nâng cao chất lượng cải cách hành chính.

Trường Trung học cơ sở và Tiểu học Thạch Hội sau sáp nhập

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 đã giảm 01 đơn vị (trường Tiểu học Thạch Hội), 08 lãnh đạo quản lý, 92 định biên, trong đó có 87 cán bộ bán chuyên trách cấp xã; góp phần giảm chi thường xuyên hoạt động của bộ máy khoảng 22,080 tỷ đồng so với năm 2017, riêng chi lương, phụ cấp và các khoản chi thường xuyên cho số biên chế giảm khoảng 10,67 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, việc triển khai sắp xếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị và tinh giản biên chế ở Thạch Hà vẫn còn một số khó khăn. Một bộ phận cán bộ thuộc các đơn vị dự kiến sáp nhập, giải thể còn băn khoăn, lo lắng, ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ, nhất là những địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020; việc sáp nhập Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, thành lập cơ quan chung Khối dân… chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp trên; việc bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lí gặp khó khăn, chưa có chính sách cho cán bộ diện tinh giản, sắp xếp; lương của cán bộ bán chuyên trách còn thấp so với mặt bằng chung…

Thời gian tới, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Hà xác định tập trung khắc phục khó khăn, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đạt mục tiêu, kế hoạch về sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng và các cấp chính quyền trong giai đoạn hiện nay.

Phan Thị Hương - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà


    Ý kiến bạn đọc