Thành phố Hà Tĩnh - Những chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 18 - CT/TW
EmailPrintAa
16:24 30/10/2015

Thành phố Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, là nơi quy tụ nhiều tuyến giao thông quan trọng với tuyến quốc lộ đường 1A và đường tránh 1B, 5 tuyến tỉnh lộ dài 22km, trên 90 tuyến đường nội thành dài trên 130km và khoảng 120 km đường giao thông liên phường, xã; có 90 giao lộ, có 01 bến xe khách. Những năm qua, thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồng thời tập trung thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.
 
Một góc đường Phan Đình Phùng (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)  

Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo quán triệt Chỉ thị 18-CT/TW, ban hành 25 chỉ thị, kế hoạch, công văn chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thường xuyên kiện toàn Ban An toàn giao thông, phân công nhiệm vụ, địa bàn nắm tình hình, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ tổ chức tốt sơ kết, tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được quan tâm, nhất là phổ biến, quán triệt các đề án, văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và thành phố với 26 lớp tập huấn, 165 buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ và nhân dân, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên và những người lái xe taxi, hành nghề xe lai trên địa bàn thành phố; xây dựng, đăng phát 40 phóng sự, 75 tin, bài viết về trật tự an toàn giao thông. Đội quản lý trật tự đô thị thành phố thường xuyên sử dụng xe ô tô có gắn băng rôn, loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động về an toàn giao thông và trật tự đô thị trên các đường phố và địa bàn trọng điểm. Chính quyền các phường, xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và chỉ đạo 100% tổ dân phố, cơ quan, đơn vị tổ chức cho từng hộ dân, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang ký cam kết không vi phạm trật tự kỷ cương đô thị, trật tự an toàn giao thông và hưởng ứng “Năm an toàn giao thông”. Ban An toàn giao thông phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở trên địa bàn, đồng thời tổ chức Hội thi An toàn giao thông cho 18 trường mầm non trên địa bàn đạt kết quả tốt. Công an thành phố xây dựng các phương án, kế hoạch huy động tối đa lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ, tổ chức tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn 24/24h đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đoàn khách trong nước, quốc tế và các hoạt động lễ hội, văn hoá, nghệ thuật, thể thao, thương mại, du lịch, các ngày lễ, tết.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố, sự nỗ lực của các ngành chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn có chuyển biến rõ nét. Tai nạn giao thông giảm trên cả ba chỉ số. Từ năm 2013 đến nay xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết 38 người, bị thương 19 người, thiệt hại tài sản khoảng 100 triệu đồng. So với năm 2011, 2012 khi chưa có Chỉ thị 18-CT/TW: giảm 10 vụ, giảm 12 người chết, giảm 8 người bị thương. Công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai. Trong 3 năm qua, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 20.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền, nộp vào kho bạc nhà nước gần 4 tỷ đồng, tạm giữ 713 lượt phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe có thời hạn 87 trường hợp, thông báo về cơ quan đơn vị, nhà trường, nơi cư trú 528 trường hợp vi phạm. Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm giảm, đua xe trái phép không xảy ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ở thành phố Hà Tĩnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền trong công tác đảm bảo an toàn giao thông chưa đồng bộ, quyết liệt; công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ có lúc chưa thường xuyên. Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận nhân dân chưa tốt, nhất là nhóm đối tượng là thanh niên, học sinh tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng. Việc lấn chiếm vỉa hè, hành lang, lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn ra. Hạ tầng giao thông đô thị vẫn còn bất cập, một số tuyến đường nội thành xuống cấp nhưng do thiếu kinh phí nên chưa được đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng kịp thời.

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 18- CT/TW, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả tai nạn giao thông, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị. Rà soát, duy tu, sửa chữa nâng cấp hạ tầng kỹ thuật giao thông, lắp đầy đủ biển báo, đèn tín hiệu an toàn giao thông, kẻ các vạch phân làn, phân luồng… Triển khai tốt việc xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là giải tỏa và xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh trên các tuyến đường; chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm về việc đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo không đúng quy định, việc dựng rạp đám cưới trên các tuyến phố chính; quản lý chặt chẽ vệ sinh môi trường, nhất là xử lý rác thải xây dựng trên địa bàn.

Làm tốt các giải pháp trên, tình hình trật tự an toàn giao thông của thành phố sẽ được bảo đảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng điều kiện xây dựng thành phố Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II.

Trần Quang  - Thành ủy Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc