Khu Di tích lịch sử Xô viết Nghệ - Tĩnh Ngã ba Nghèn |
Phong trào bắt đầu từ cuộc đấu tranh biểu tình của công nhân Bến Thuỷ - Vinh, trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng lan rộng đến các huyện ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; phát triển từ bãi công, biểu tình ôn hoà thành biểu tình có vũ trang; từ yêu sách giảm sưu, giảm thuế chuyển sang trừng trị bọn phản động cường hào, đốt phá huyện đường, phá nhà lao,… Chính quyền của địch ở nhiều xã, huyện ở Nghệ Tĩnh bị tê liệt, hoặc tan rã nhanh chóng. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Nông hội Đỏ (lúc ấy gọi là xã Bộ Nông) đứng ra quản lý nông thôn, làm chức năng chính quyền cách mạng lâm thời theo kiểu Xô Viết công nông (còn gọi là "chính quyền Xô Viết"). Từ tháng 9/1930 đến đầu năm 1931, tại Nghệ - Tĩnh, chính quyền Xô Viết đã tồn tại và phát huy quyền làm chủ nông thôn của quần chúng, điều hành mọi mặt đời sống xã hội.
Can Lộc (Hà Tĩnh) là một trong những huyện đi tiên phong trong cao trào Xô Viết. Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ Can Lộc, từ tháng 5 đến tháng 9/1930, trên địa bàn huyện đã nổ ra 40 cuộc biểu tình quy mô huyện và liên xã; hàng trăm cuộc biểu tình, mít tinh quy mô xã, thôn. Đặc biệt là cuộc biểu tình ngày 07/9/1930, với hơn 1.000 nông dân của 5 tổng Phù Lưu, Nội Ngoại, Đoài, Nga Khê và Lai Thạch mang cờ đỏ búa liềm kéo tới huyện đường chất vấn Tri huyện chậm trễ trong việc trả lời các yêu sách của cuộc biểu tình ngày 01/8/1930. Trước áp lực của quần chúng nhân dân, Tri huyện Trần Mạnh Đàn cùng bè lũ tay sai đã theo cổng hậu chạy trốn, để ngỏ công đường cho đoàn biểu tình. Cả vùng Nghèn đã vang lên tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hò reo sung sướng của nhân dân trong giờ phút làm chủ Huyện lỵ. Sau đó, nhân dân Can Lộc tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường. Điển hình là vào sáng ngày 22/12/1930, nhân ngày kỷ niệm "Quảng Châu bạo động", Huyện uỷ chủ trương tổ chức biểu tình quy mô toàn huyện. Từ sáng sớm, các đoàn biểu tình rầm rộ từ các ngả đường đổ về huyện lỵ, hàng nghìn người hô vang khẩu hiệu đòi giảm tô, bỏ các loại thuế, thả hết tù chính trị, chống bắt người, cướp của, đòi tăng lương, giảm giờ làm… Trong những ngày cuối năm 1930, hầu khắp các địa phương trong huyện sôi sục khí thế đấu tranh, làm tê liệt và tan rã bộ máy thống trị của bọn thực dân phong kiến, mở ra một giai đoạn mới của phong trào đấu tranh cách mạng ở Can Lộc - giai đoạn quần chúng nông dân vùng lên làm chủ nhiều làng, xã trong huyện. Trên quê hương Can Lộc, nhân dân đã lập Xô Viết ở 74 làng khắp các tổng trong huyện, chiếm 43,52 % số làng Xô Viết trong toàn tỉnh. Làng Đỉnh Lự ở tổng Phù Lưu (nay thuộc xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) là làng Xô Viết đầu tiên của huyện Can Lộc và của Hà Tĩnh.
Thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã điên cuồng đàn áp phong trào ở Nghệ - Tĩnh nói chung và Can Lộc nói riêng bằng chiến dịch "khủng bố trắng", dìm các "làng Đỏ" trong bể máu, gây cho phong trào cách mạng những khó khăn, tổn thất về nhiều mặt. Tính đến cuối năm 1932, toàn huyện có đến 258 cán bộ, đảng viên và quần chúng bị giết hại; 1.829 người bị bắt, 648 người bị quản thúc. Lịch sử dân tộc sẽ mãi mãi khắc ghi những tấm gương nghĩa liệt của đồng chí, đồng bào, trong đó tiêu biểu là sự hy sinh oanh liệt của các đồng chí Trần Hữu Thiều - Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên, Võ Quê, Hồ Ngọc Tàng, Hoàng Lạc, Trần Mẹo, Trần Xu, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Hữu, Phạm Thị Dung…
Mặc dù đã bị kẻ thù tàn sát đẫm máu, nhưng tinh thần đấu tranh bất khuất và khí thế hào hùng của cao trào đã để lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học lịch sử quý giá về lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, về tổ chức lực lượng, về phát động quần chúng giành, xây dựng và giữ chính quyền cách mạng. Đây là cuộc diễn tập đầu tiên của quần chúng nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám. Nói về ý nghĩa to lớn của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong biển máu, nhưng Xô Viết Nghệ - Tĩnh chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào đó tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này"(1).
Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh là khúc tráng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Ngày nay, đến dịp 12/9 hằng năm, cùng với các địa phương khác, vinh dự và tự hào, tại mảnh đất Ngã ba Nghèn lịch sử lại được chứng kiến những giây phút tri ân xúc động của nhiều thế hệ. Năm 1998, Khu Di tích lịch sử Xô viết Nghệ - Tĩnh Ngã ba Nghèn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chứng nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, Khu di tích đã được tôn tạo, mở rộng, trở thành một trong những biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Tiếng trống Xô Viết Nghệ - Tĩnh vẫn mãi ngân vang thôi thúc các thế hệ nối tiếp nhau viết tiếp những trang sử vàng.
Tự hào là quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Can Lộc đã chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tranh thủ tối đa các nguồn lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, giành nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực… Đặc biệt, từ khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Can Lộc đã có những đổi thay. Đến nay, toàn huyện có 5 xã về đích nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, từng bước được nâng cao. Huyện đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu; tập trung khai thác, phát triển dịch vụ du lịch, thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới.
Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thực sự giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với truyền thống Xô Viết anh hùng.
Võ Quang Đạt - Huyện uỷ Can Lộc
Chú thích: (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, trang 9.
Tin mới cập nhật
- Huyện ủy Hương Sơn tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ( 17/12)
- Huyện Kỳ Anh hoàn thành Đại hội Chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2024 - 2027 ( 12/12)
- Huyện Đức Thọ tập trung thực hiện chuyển đổi số ( 10/12)
- Đoàn Công tác chỉ đạo thị xã Kỳ Anh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh ( 09/12)
- Huyện Thạch Hà tích cực chuẩn bị đại hội Đảng các cấp ( 28/11)
- Huyện ủy Hương Khê tổ chức học tập, quán triệt các quyết định, quy định, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh ( 22/11)