Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ, an ninh năng lượng nói chung, điện năng nói riêng là vấn đề an ninh quốc gia, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống nhân dân. Triển khai định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành điện đã có những đóng góp quan trọng cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội (KTXH), bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Mặc dù kết quả đạt được của ngành điện thời gian qua là rất quan trọng, nhưng giai đoạn sắp tới, trước yêu cầu của phát triển KTXH, ngành điện phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Đó là sự mất cân đối giữa cung và cầu, giữa nguồn điện và hệ thống truyền tải; các dự án chậm tiến độ khả năng sẽ gây ra nguy cơ thiếu điện cục bộ, ảnh hưởng đến phát triển KTXH và đời sống nhân dân; việc lập và tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh còn có hạn chế, bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục.
Quang cảnh phiên giải trình.
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành điện nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới. Nguồn cung điện giữa các vùng miền bị mất cân đối. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh, nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Việc bảo đảm nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình.
Để phát triển ngành điện trong giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực; xây dựng cơ chế chính sách tài chính để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào nguồn điện; đẩy mạnh các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, an ninh năng lượng là vấn đề mang tính toàn cầu. Đến nay, nước ta đã xây dựng được một hạ tầng về năng lượng, một ngành công nghiệp năng lượng phát triển vượt bậc, toàn diện, cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng; đã ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ về khoa học, kỹ thuật; đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đông đảo trên tất cả các nhóm ngành khai thác, chế biến, công nghiệp và năng lượng như: Than, dầu khí, thủy điện, điện gió, điện mặt trời… luôn ở tốp đầu của các nước Đông Nam Á. Sản lượng than khai thác được năm 2019 khoảng 46,3 triệu tấn, dầu thô đạt khoảng 13,04 triệu tấn, riêng quy mô ngành điện Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ 23 trên thế giới với tổng công suất nguồn điện toàn quốc đạt 54.987 MW, sản lượng điện năm 2020 ước đạt 238,42 tỷ Kwh, tăng 2,63 lần so với năm 2010. Riêng điện gió và điện mặt trời là lĩnh vực mới nhưng chỉ trong 5 năm gần đây đã có 100 dự án đi vào vận hành với công suất 5.120 MW (91 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất là 4.680 MW và 9 nhà máy điện gió với tổng công suất là 440 MW), chiếm tỷ trọng hơn 9% nguồn điện.
Đó là thành tựu, kết quả vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn để bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ cho sự phát triển của đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Mặc dù kết quả đạt được là tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành năng lượng luôn gấp từ 1,5 đến 2 lần so với tăng trưởng kinh tế của đất nước, song vấn đề an ninh năng lượng của nước ta vẫn đang là những thách thức lớn cần vượt qua", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, Phó chủ tịch Quốc hội nêu ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là: Phải tập trung xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc để đưa 10 dự án điện chậm tiến độ vào vận hành; khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thông qua quy hoạch của ngành năng lượng nói chung và quy hoạch sơ đồ điện VIII; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường; tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường; phát triển ngành năng lượng phải gắn với đảm bảo môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả; sớm sửa đổi một số luật có liên quan đảm bảo sự thống nhất, tránh chống chéo và tháo gỡ được khó khăn cho phát triển ngành năng lượng; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng đảm bảo an ninh năng lượng trong tình hình mới.
Nguồn: Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Chú trọng phát triển trí tuệ thông minh, cơ sở dữ liệu, nền tảng để bứt phá tới tương lai ( 23/01)
- Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 ( 16/01)
- Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông! ( 14/01)
- 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2024 ( 31/12)
- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số ( 29/12)
- Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để "cả hai cùng thắng" ( 17/12)