Bài 2: Một số giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian tới
EmailPrintAa
15:18 08/11/2016

Cần có một chiến lược xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, đảm bảo thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp, tạo niềm tin để người nông dân bỏ vốn đầu tư và mở rộng sản xuất…
 

Cửa hàng Mitraco Food của Tổng Công ty Khoáng sản Thương mại

 

Những năm gần đây, sản lượng hàng hóa nông sản trên địa bàn được sản xuất ngày càng tăng, với mức sản lượng trung bình hằng năm: Thủy hải sản khoảng trên 44,3 nghìn tấn, gia súc gần 80 nghìn tấn, gia cầm trên 12 nghìn tấn, sản lượng lương thực trên 500 nghìn tấn và gần 60 nghìn tấn rau các loại... Với những cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ tạo điều kiện cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới như hiện nay kết hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh thì khả năng để tăng thêm sản lượng, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta là hoàn toàn có thể vì hiện nay chúng ta vẫn chưa khai thác tối đa các yếu tố đầu vào: Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, sử dụng các khoản vốn vay ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, diện tích đất canh tác và nguồn nhân lực vẫn chưa được tận dụng triệt để.

Tuy nhiên, để khuyến khích người dân tiếp tục đầu tư sản xuất nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa nông nghiệp cũng như thêm chủng loại sản phẩm cần có một chiến lược xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, đảm bảo thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp, tạo niềm tin để người nông dân bỏ vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Thiết nghĩ một số giải pháp để phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người nông dân trong thời gian tới cần tập trung:

- Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân cùng chung sức, chung tay với người nông dân, tăng cường công tác phối hợp để nghiên cứu tìm ra các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người dân. Trước mắt, tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn cùng với việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Thứ hai, tiếp tục thực hiện các dự án phát triển chợ đầu mối nông sản, chợ dân sinh, các mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản tại một số địa bàn, nhất là địa bàn đông dân và mật độ dân số cao. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là đối với những sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giao lưu, trao đổi, tiếp cận thị trường và ký kết các hợp đồng kinh tế. Đồng thời, định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

- Thứ ba, thực hiện quy hoạch sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường, trong đó cần làm tốt công tác dự báo xu hướng thị hiếu của người tiêu dùng. Tiếp cận tới các thị trường lớn, ổn định đầu ra cho sản phẩm, góp phần giảm tối đa hiện tượng ép giá và lệ thuộc vào tư thương. Tăng cường triển khai thực hiện các cam kết cung cấp, tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là đối với các tỉnh, thành phố có thị trường lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh… Tạo điều kiện để các tổ chức, hộ kinh doanh có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các nhà phân phối lớn đến từ các tỉnh, trao đổi thông tin để từng bước cải tiến sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường nhằm đưa những "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu" của tỉnh vào hệ thống siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn tiêu thụ.

- Thứ tư, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Xóa bỏ kiểu tư duy sản xuất tự phát, hùa theo đám đông, chỉ chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng; doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu “đánh quả”. Để tạo thị trường đầu ra ổn định cho nông sản cũng rất cần sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp, thông qua việc thiết lập hợp đồng hay cam kết ràng buộc giữa người nông dân và nhà doanh nghiệp trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển sản xuất của nhà nước và vai trò tham mưu của các nhà khoa học, làm tốt việc này cũng là cụ thể hóa Quyết định 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ, về "Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng".

- Thứ năm, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu, một mặt để gỡ khó cho đầu ra của nông sản, mặt khác để gia tăng hàm lượng giá trị cho hàng hóa nông sản, phân phối đồng đều lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị chính là giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp cả về lượng và chất. Lựa chọn những sản phẩm là lợi thế của tỉnh, có sự hỗ trợ bà con làm ra sản phẩm với chất lượng cao, giá thành hạ, để trong mọi tình huống vẫn có khả năng bán ra nhiều sản phẩm hơn với giá trị lớn hơn cho người nông dân. Tiếp tục hỗ trợ nông dân để nâng cao sức cạnh tranh nông sản, hỗ trợ nông dân khi thị trường có biến động bất lợi, một mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ bà con để duy trì giá, không bị giảm quá sâu.

- Thứ sáu, xây dựng quy hoạch gắn với việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Việc hình thành các tổ liên kết để dần hình thành các nhóm tập thể chuyên canh với mục tiêu xây dựng thương hiệu nông sản, đây là hướng đi đầy triển vọng để phát triển loại hình kinh tế hợp tác mới nhỏ gọn, năng động, phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Tổ chức nghiên cứu, khảo sát những vùng có đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với những loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh để ưu tiên đầu tư phát triển và vận động nông dân thực hiện, bên cạnh đó cần xây dựng những dự án riêng biệt để phát triển vùng chuyên canh bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa, đầu tư các cây, con giống chất lượng cao...

- Thứ bảy, Hà Tĩnh có đường giao thông rất thuận tiện với 127 km đường Quốc lộ 1A, 87 km đường Hồ Chí Minh, 70 km đường sắt với các nhà ga: Yên Trung (huyện Đức Thọ), Hương Phố (huyện Hương Khê), vì vậy cần khuyến khích các doanh nghiệp, người dân xây dựng các điểm bán hàng, các điểm dừng chân trên các tuyến đường, các nhà ga, bến xe trong đó ưu tiên, khuyến khích kinh doanh các mặt hàng nông sản được sản xuất trên địa bàn. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, cần có một chiến lược tốt về quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa cần chú ý từ việc tạo hình ảnh qua thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm.

Hy vọng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự vào cuộc của các cá nhân, tổ chức chung tay hỗ trợ để từng bước hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản bền vững, tạo điều kiện để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản chất lượng và có giá trị kinh tế cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

                                                                                      Trung Hà - Phan Huấn


    Ý kiến bạn đọc