Bài 2: Một số vụ chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
EmailPrintAa
16:42 09/12/2015

Với các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, trong những năm qua, nước ta đã thu hút được lượng lớn vốn FDI, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khối FDI ngày càng cao. Tuy nhiên, việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với kỳ vọng của Nhà nước đối với khối doanh nghiệp này, hiện tượng doanh nghiệp FDI kê khai lỗ khá phổ biến trên cả nước. Việc nắm rõ nguyên nhân lỗ của doanh nghiệp FDI là vấn đề khó nhưng không loại trừ hành vi chuyển giá. Một số trường hợp điển hình bị các cơ quan chức năng làm rõ thời gian qua:
 
Ảnh minh họa  

 Trường hợp CocaCola Việt Nam

Công ty CocaCola có mặt ở Việt Nam từ những năm 1960, nhưng đến năm 1994 mới chính thức thực hiện chiến lược kinh doanh lâu dài. Lần lượt các năm 1995, 1998 các liên doanh ở miền Bắc, miền Nam, miền Trung được thành lập. Đến tháng 10/1998 các liên doanh này chuyển đổi thành công ty 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo báo cáo tài chính, lỗ lũy kế đến quý III năm 2011 của CocaCola Việt Nam lên đến 3.768 tỷ đồng, nhiều hơn cả vốn điều lệ của Công ty là 2.950 tỷ đồng. Mặc dù lỗ nhưngCông ty vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là lý do để CocaCola dính vào “nghi án” chuyển giá ở Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, trong vòng 4 năm (2007 - 2010), tổng doanh thu của Công ty tăng 2,5 lần từ 1.000 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng nhưng tổng chi phí lại tăng lên 3 lần. Do thua lỗ trong một thời gian dài nên Công ty chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2009 là năm đầu tiên Công ty tuyên bố có lãi (3,5 tỷ đồng) song lại được phép chuyển lỗ theo quy định của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp.Giải thích cho hiện tượng thua lỗ của CocaCola ở góc độ quản lý, đại diện Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nguyên nhân nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn; đặc biệt năm 2010 chi phí nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ lên đến 1.671 tỷ đồng trên doanh thu 2.329 tỷ đồng. Ngoài ra, đại diện của Công ty cho rằng, do phải vay vốn, chịu gánh nặng chi phí lãi suất cao cũng như những rủi ro về tỷ giá với các khoản vay bằng USD, các khoản đầu tư vào dây chuyền sản xuất cũng làm gia tăng chi phí về lãi suất, khấu hao và chi phí về chênh lệch tỷ giá.

Vì sao CocaCola Việt Nam thua lỗ nhiều năm liên tục, thậm chí thâm hụt vào vốn tự có nhưng vẫn có thể hoạt động và mở rộng sản xuất? Câu trả lời là Công ty phải đi vay để tài trợ cho những hoạt động kinh doanh, nhưng lại chủ yếu vay từ công ty mẹ. Như vậy, thực chất ở đây CocaCola Việt Nam nợ mà không nợ vì vốn chủ yếu vay từ công ty mẹ, sau đó CocaCola Việt Nam trích từ một phần lãi hằng năm chuyển về cho công ty mẹ  dưới dạng thanh toán tiền mua hương liệu.

Trường hợp Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam

Metro Cash & Carry Việt Nam đi vào hoạt động tại Việt Nam từ ngày 28/3/2002. Trong 13 năm, Metro lỗ triền miên, với 1.657 tỷ đồng, chỉ có một năm duy nhất có lãi là năm 2010 với số tiền 173 tỷ đồng. Tuy lỗ, nhưng Metro vẫn không ngừng mở rộng đầu tư, nên từ một cơ sở ban đầu, Metro Cash & Carry Việt Nam đã có 19 trung tâm và 1 kho trung chuyển tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng vốn đầu tư của Metro tại Việt Nam tăng từ 120 triệu USD lên hơn 301 triệu USD. Dư luận và cơ quan chức năng đặt ra nghi vấn chuyển giá của Công ty này, đặc biệt là sau khi Metro Cash & Carry Việt Nam công bố bán hệ thống của mình tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá trị lên tới 879 triệu USD, cao gấp gần 3 lần tổng vốn đầu tư.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2001 - 2013, chi phí nhượng quyền thương mại mà Metro Cash & Carry Việt Nam phải trả cho công ty mẹ Metro Cash & Cary GmbH (MCC) ở Đức lên tới 731 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua MCC lên tới 699 tỷ đồng... Các giao dịch liên kết này được cho là cách để Metro Cash & Carry Việt Nam chuyển giá.

Do lỗ kéo dài, nên tổng số thuế mà Metro Cash & Carry Việt Nam đã kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước từ năm 2001 đến ngày 31/12/2014 chỉ là 1.014,996 tỷ đồng. Những đóng góp còn quá ít so với kỳ vọng và so với quy mô hoạt động của Metro Cash & Carry Việt Nam.

Trường hợp Keangnam Vina

Năm 2007, Công ty Keangnam Vina ký hợp đồng vay vốn từ ngân hàng Kookmin Bank (một trong những ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc) với lãi suất trung bình khoảng 12% mỗi năm. Thời điểm đó, lãi suất vay vốn bằng USD tại Việt Nam chỉ dao động trong khoảng từ 5-7%/năm. Đến năm 2014, Công ty đã vay tổng cộng 400 triệu USD từ Kookmin Bank và tổng số lãi vay, chi phí tài chính của việc vay vốn đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Chênh lệch nói trên là một căn cứ nghi vấn khả năng Keangnam Vina đã tiến hành một giao dịch liên kết để chuyển một phần lợi nhuận về nước. Tuy nhiên, do nước ta chưa có quy định khống chế mức trần lãi suất tiền vay bằng ngoại tệ, quy định hiện hành cho phép các ngân hàng tự định ra lãi suất đối với khách hàng theo hình thức thỏa thuận, vì vậy không có căn cứ để đưa ra một kết luận chính xác.

Một tình tiết khác là việc Keangnam Vina đã ký hợp đồng xây dựng với Công ty Keangnam Enterprises, cũng là một thành viên trong tập đoàn Keangnam Investment tại Hàn Quốc, theo hình thức chìa khóa trao tay.

Hợp đồng này đưa lại cho Keangnam Enterprises một khoản doanh thu và đi theo đó là một khoản lợi nhuận lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong tình huống này, Keangnam Enterprises có hai lựa chọn: Đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên lợi nhuận hoặc đóng thuế nhà thầu theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sau khi trừ đi doanh thu của các nhà thầu phụ. Keangnam Enterprises đã chọn cách thứ hai. Khi kiểm tra lại các chứng từ, các chuyên gia ngành thuế phát hiện mức thuế phải nộp theo cách thứ hai chỉ bằng khoảng 10% cách thứ nhất. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận đã “ở lại” với Keangnam Enterprises chỉ vì các quy định hiện hành của nước ta cho phép họ làm điều đó.

Trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết, trong đó chuyển giá là một trong những vấn đề phức tạp, khó tiếp cận, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời phản ánh rõ những hạn chế của hệ thống pháp luật nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở rộng hội nhập.

Phan Huấn  - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc