Bài 3: Các giải pháp chống chuyển giá và một số suy nghĩ về quản lý đầu tư nước ngoài tại Hà Tĩnh
EmailPrintAa
15:51 25/12/2015

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của nguồn vốn FDI, tạo “sân chơi” lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó có việc kiểm soát hành vi chuyển giá. Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần quan tâm một số nội dung sau:

Bài 1: Nguyên nhân và các hình thức chuyển giá

Bài 2: Một số vụ chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài. Cần xác định rõ phương pháp xác định giá đối với nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu và xây dựng văn bản quy định về việc quản lý, định giá đối với trường hợp các dự án đầu tư góp vốn bằng tài sản, máy móc thiết bị và một số khoản chi phí đặc biệt khác như: chi thuê lao động quản lý nước ngoài, chi sử dụng vốn vay của tổ chức nước ngoài; xây dựng thỏa thuận phương pháp xác định giá với các giao dịch liên kết trong một khoảng thời gian nhất định giữa doanh nghiệp nộp thuế và cơ quan thuế. 

Thứ hai, rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, từng bước thực hiện quốc tế hóa các cam kết đối với hoạt động tài chính (hạn chế chênh lệch về thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia, chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp trong một quốc gia do áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế). Chỉ nên ưu đãi thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền nhất định, những nơi cần khuyến khích đầu tư.

Thứ ba, cơ quan thuế các cấp phối hợp với các ngành chức năng, nhất là với ngành hải quan, tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các doanh nghiệp có nhiều thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế.

Thứ tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu về doanh nghiệp FDI trong các cơ quan cấp phép đầu tư, thuế, hải quan, ngân hàng... để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá, quản lý thuế và phân tích rủi ro, thanh tra, xử lý vi phạm về giá chuyển giao giữa các thành viên liên kết.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ chuyên theo dõi, kiểm soát chuyển giá, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng xác định giá thị trường, trang bị kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ...

Đối với doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Hà Tĩnh

Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh của Hà Tĩnh được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao, là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Đài Loan... đã đầu tư và tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đến nay, đã thu hút được 64 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký trên 20 tỷ USD, chủ yếu tập trung ở Khu kinh tế Vũng Áng (49 dự án, vốn đăng ký trên 17 tỷ USD), trong đó có các nhà đầu tư như: Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) đã đầu tư Dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng biển nước sâu Sơn Dương; Tập đoàn Mitsubishi - Nhật Bản đầu tư Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II, Tập đoàn Samsung - Hàn Quốc đầu tư Dự án Nhiệt điện Vũng Áng III đang trong quá trình làm các thủ tục đầu tư để triển khai.

 

Tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI triển khai đúng tiến độ, nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là góp góp phần quan trọng cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Thời gian tới, song song với việc tiếp tục thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, phát huy tối đa vai trò của các dự án FDI, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý thu ngân sách nói riêng đối với các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp có lượng vốn đầu tư lớn, cơ cấu tổ chức phức tạp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực và thời gian hoạt động dài. Các vấn đề cần được quan tâm là:

- Tham mưu cho các bộ, ban, ngành Trung ương hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư liên quan đến các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn, từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế.

- Đề xuất, kiến nghị với các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên viên chuyên sâu các lĩnh vực, có cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực tài chính quốc tế, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế, luật quốc tế...; đồng thời hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có để Hà Tĩnh từng bước xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ các ngành chức năng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

- Thành lập tổ công tác liên ngành bao gồm cán bộ, chuyên viên các cơ quan, đơn vị: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế, Cục Hải quan, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, một số ngân hàng thương mại (đơn vị mà các doanh nghiệp FDI thường xuyên giao dịch, thanh toán)... để xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên ở cả cấp Trung ương và địa phương sẽ hạn chế tối đa thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời tạo được môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia. Đây có thể coi là “chìa khóa” để tiếp tục mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài cho cả nước nói chung và cho Hà Tĩnh nói riêng trong thời gian tới.

Phan Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc