Bài 3: Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn Đại hội IX năm 2001 đến trước Đại hội lần thứ XII của Đảng
EmailPrintAa
16:20 03/10/2017

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã thông qua Cương xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia và dân tộc”.
 
Đại hội lần thứ XI của Đảng  

Đại hội lần thứ IX của Đảng đã khái quát mô hình nền kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” với mục tiêu phát triển tổng quát: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Tập trung ba mũi đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội là: Xây dựng đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đổi mới bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh..

Đại hội IX đã tiến một bước dài trong việc cụ thể hoá mô hình phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Cùng với việc ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (12/2001), quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, việc tham gia Khu vực Thương mại mậu dịch tự do Asean, đẩy mạnh quá trình liên kết kinh tế ASEAN theo hướng xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), ký Hiệp định bảo bộ đầu tư với Nhật Bản; thúc đẩy quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO… đã mở ra nhiều cơ hội phát triển to lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để giải phóng thể chế, tạo sự thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cùng với sự phát huy tác dụng của Luật Doanh nghiệp tạo sức lan toả mạnh và hình thành làn sóng phát triển trong khu vực tư nhân. Từ những chủ trương đó, nền kinh tế khôi phục lại nhịp tăng trưởng; giữ vững được ổn định. Tuy nhiên, từ sau Đại hội IX, đã nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nền kinh tế hội nhập sâu và nhanh hơn vào nền kinh tế thế giới, song các vấn đề về chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu; nền kinh tế vẫn trong tình trạng tụt hậu xa hơn. Tăng trưởng vẫn thấp hơn mức tiềm năng. Một số vấn đề cơ bản trong nhận thức lý luận, quan điểm, tư tưởng và chính sách về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - vấn đề về sở hữu, về cơ cấu thành phần, về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò của nhà nước, về quan hệ giữa tăng trưởng và đói nghèo, giữa các yếu tố kinh tế - xã hội và kiến trúc thượng tầng,… đòi hỏi phải được giải quyết triệt để để định hình khung lý luận cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.    

Đại hội lần thứ X, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt”.

Đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, Đại hội XI - Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Chúng ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện, đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm.

Năm 2010, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.168 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nhất là xóa đói, giảm nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước”.

Có thể khái quát các thành tựu mà nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đạt được như sau:

Một là: Đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định.

Hai là: Tạo dựng được những tiền đề cần thiết cho sự phát triển kinh tế thị trường và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cải thiện một bước kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế và đời sống nhân dân; hệ thống giáo dục, khoa học công nghệ phát triển khá, thể chế kinh tế thị trường đã từng bước được hình thành và phát triển.

Ba là: Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực để phát huy tiềm năng của từng ngành, từng vùng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Bốn là: Kinh tế đối ngoại được mở rộng và phát triển, khả năng hội nhập khu vực và thế giới được tăng cường.

Năm là: Thành quả của xã hội về xoá đói giảm nghèo.

Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu nói trên, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam còn có một số mặt hạn chế: Hệ thống thị trường chưa đồng bộ; môi trường kinh tế gồm cả vĩ mô và vi mô chưa được hoàn thiện và chưa thực sự hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước và cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập.

Đại hội XI đã thông qua Cương xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển). Đây là văn kiện quan trọng xác định đặc điểm thời đại và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những thập kỷ tiếp theo. Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia và dân tộc.

Cương lĩnh khẳng định: “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định 3 đột phá quan trọng nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng mở rộng theo chiều sâu và hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu: (1) Hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

(Đón đọc Bài 4: Quan điểm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và sự cụ thể hóa tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII)

Phan Xuân Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy

(Bài viết có tham khảo Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa  VIII, IX, X, XI và các nghị quyết của Đảng)


    Ý kiến bạn đọc