Bàn về vấn đề chuyển giá ở doanh nghiệp FDI
EmailPrintAa
13:37 07/12/2015

Bài 1: Nguyên nhân và các hình thức chuyển giá

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) với đường lối đổi mới đất nước, mở cửa và hội nhập quốc tế trên quan điểm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” đã tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài là nguồn đóng góp hết sức quan trọng cho đầu tư để phát triển đất nước.

 
Một số thương hiệu nổi tiếng trến thế giới  

Gần 30 năm qua, vai trò của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đã được khẳng định: Hiện nay, cả nước có 15.067 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 218,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 106 tỷ USD, trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các dự án FDI góp phần tăng thu ngân sách, cải thiện cán cân thanh toán, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành, trình độ khoa học kỹ thuật và thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đa dạng các loại thị trường, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy vậy, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, FDI cũng có những mặt trái, đặc biệt là vấn đề chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên (các thành viên có tính liên kết và có cùng mối quan hệ chặt chẽ về mặt lợi ích) trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia.

Tại sao các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong một nhóm liên kết hay trong các công ty đa quốc gia có quyền quyết định giá giao dịch hay xác định lại giá giao dịch? Một số nguyên nhân lý giải quyền quyết định về giá giao dịch:

Một là, các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đầu tư vào kinh doanh vì mục đích lợi nhuận, việc thực hiện hành vi chuyển giá chủ yếu nhằm mục đích giảm hoặc tránh mức thuế phải nộp để mang lại lợi nhuận cao nhất. Việc kiểm soát hành vi chuyển giá không dễ dàng vì các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau, do vậy, nhiều chủ thể kinh doanh đã lợi dụng điều đó để chuyển giá. Chủ thể thực hiện hành vi chuyển giá còn nhằm tối đa hóa lợi ích của mình trong các quan hệ góp vốn, quan hệ kinh doanh… trên cơ sở làm giảm lợi ích của các chủ thể khác.

Hai là, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh doanh có quyền tự định đoạt, quyền tự chủ trong kinh doanh. Do đó, việc thỏa thuận với nhau về giá cả hàng hóa, tài sản, dịch vụ là do các bên tham gia quan hệ hợp đồng thỏa thuận. Lợi dụng điều này mà hành vi chuyển giá trở nên phổ biến.

Ba là, xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích kinh tế giữa các thành viên trong nhóm liên kết (giữa các công ty trong cùng tập đoàn, giữa công ty mẹ với công ty con, giữa các thành viên liên doanh, liên kết…). Khi thực hiện chuyển giá giữa các thành viên sẽ làm lợi ích kinh tế trong nhóm tăng lên. Thông qua hành vi chuyển giá nghĩa vụ thuế của các bên chuyển giá bị chuyển từ nơi điều tiết cao sang nơi điều tiết thấp hơn và ngược lại.

Bốn là, hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa đủ cơ sở pháp lý cho việc xác định các hành vi chuyển giá và chế tài áp dụng còn yếu và thiếu, đồng thời còn có nhiều khe hở tạo điều kiện cho hành vi chuyển giá dễ dàng được thực hiện.

Năm là, cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán còn nhiều bất cập, chưa đủ năng lực phát hiện để xử lý tất cả các hành vi chuyển giá.

Sáu là, vai trò quản lý của Nhà nước còn yếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ quản lý chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ của một số doanh nhân trong nước khi cùng góp vốn với đối tác nước ngoài còn hạn chế, do vậy thường bị yếu thế trong kinh doanh, bị đối tác lợi dụng để chuyển giá.

Các hình thức chuyển giá phổ biến ở nước ta bao gồm:

1. Chuyển giá thông qua hình thức nâng cao giá trị tài sản góp vốn

- Đầu tư dưới dạng liên doanh: Việc nâng giá trị tài sản đóng góp sẽ làm cho phần vốn góp của các bên phía có ý nâng giá trị góp vốn tăng, nhờ đó sự chi phối trong các quyết định liên quan đến hoạt động của dự án liên doanh sẽ gia tăng và mức lợi nhuận được chia tăng lên. Ngoài ra, khi dự án kết thúc hoạt động thì tỷ lệ trị giá tài sản được chia cao hơn.

- Đối với các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài thì việc nâng tài sản vốn góp sẽ giúp họ tăng mức khấu hao trích hằng năm, làm tăng chi phí đầu vào. Việc tăng mức khấu hao tài sản cố định sẽ giúp chủ đầu tư: (1) Nhanh hoàn vốn đầu tư cố định, giảm thiểu rủi ro đầu tư đồng thời giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng cho nước sở tại.

2. Chuyển giá bằng hình thức nâng khống giá trị công nghệ, thương hiệu (là những tài sản vô hình): Việc định giá chính xác được tài sản vô hình của các nhà đầu tư rất khó. Do đó có hiện tượng các công ty đa quốc gia nâng phần vốn góp bằng thương hiệu, công nghệ pha chế, chuyển giao công nghệ,… nhằm tăng phần vốn góp của mình. Một số trường hợp phía góp vốn bằng tài sản vô hình có xuất trình giấy tờ chứng nhận của công ty kiểm toán nhưng độ tin cậy, trung thực của các giấy này rất khó kiểm chứng.

3. Nhập khẩu nguyên vật liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc từ công ty đối tác trong liên doanh với giá cao: Đây là hình thức chuyển một phần lợi nhuận ra nước ngoài thông qua việc thanh toán tiền hàng hóa nhập khẩu. Việc mua hàng hóa với giá đắt làm chi phí sản xuất tăng, dẫn tới lợi nhuận chịu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm.

4. Chuyển giá thông qua hình thức nâng chi phí các đơn vị hành chính và quản lý: Các công ty mẹ thường sử dụng các hợp đồng tư vấn hay thuê trung gian. Một số đối tác liên doanh còn bị ép nhận chuyên gia với chi phí rất cao nhưng hiệu quả lại thấp. Chi phí này phía liên doanh nước chủ nhà gánh chịu. Một số công ty thuê người quản lý doanh nghiệp FDI với lương cao, ngoài ra còn phải trả một khoản tiền lớn cho công ty nước ngoài cung cấp nhà quản lý. Ở một số trường hợp cũng có hiện tượng chuyển giá ở khâu này khi công ty cung cấp nguồn nhân lực cũng là công ty con của tập đoàn. Một số trường hợp còn thực hiện hành vi chuyển giá thông qua việc đào tạo ở nước ngoài: Cử chuyên viên, công nhân sang học tập, thực tập tại công ty mẹ với chi phí cao. Hoặc việc trả lương cao, chi phí tư vấn cho chuyên gia đến từ công ty mẹ, loại hình tư vấn này khó xác định số lượng và chất lượng để xác định chi phí cao hay thấp, lợi dụng điều này để các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước.

5. Thực hiện chuyển giá thông qua việc điều tiết giá mua bán hàng hóa: Khi thuế nhập khẩu cao thì công ty mẹ bán nguyên liệu, hàng hóa với giá thấp nhằm tránh nộp thuế nhập khẩu nhiều. Trong trường hợp này công ty mẹ sẽ tăng cường hoạt động tư vấn, huấn luyện, hỗ trợ thiết bị với giá cao để bù đắp lại hoặc mua lại sản phẩm với giá thấp. Đối với hàng hóa nhập khẩu mà thuế suất thấp thì công ty ký hợp đồng nhập khẩu với giá cao nhằm nâng chi phí để tránh thuế.

6. Chuyển giá thông qua hình thức tài trợ bằng nghiệp vụ vay từ công ty mẹ: Bằng hình thức này, các công ty con tạo ra cơ cấu nguồn vốn bất hợp lý như dùng nguồn vốn vay từ công ty mẹ để tài trợ cho tài sản cố định và tài sản đầu tư dài hạn mà không tăng vốn góp và vốn chủ sở hữu nhằm đẩy chi phí hoạt động tài chính lên cao như chi phí chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay… và chuyển một phần lợi nhuận về nước dưới dạng lãi vay, chi phí bảo lãnh vay vốn để trốn thuế, tránh lỗ do chênh lệch tỷ giá về sau.

 Phan Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy

Đón đọc Bài 2: Một số vụ chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam


    Ý kiến bạn đọc