Bảo đảm an toàn và sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước
EmailPrintAa
14:53 14/08/2020

Để khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, Kho bạc Nhà nước (KBNN) các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu ngân sách trên địa bàn để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách. Qua đó cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách.

Đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu thanh toán

Theo KBNN, công tác quản lý ngân quỹ trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực, phục vụ kịp thời nhu cầu chi trả, thanh toán của các cơ quan, đơn vị, từng bước hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, cơ chế chính sách và tổ chức bộ máy theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, quản lý ngân quỹ là một lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều cơ chế chính sách như: Quản lý ngân sách, quản lý nợ và gắn với việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ. Vì vậy, đòi hỏi KBNN phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách quản lý ngân quỹ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiệu quả theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 và mục tiêu của chiến lược phát triển KBNN. Nếu như trước đây, công tác quản lý ngân quỹ tập trung vào việc bảo đảm có đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của ngân sách thì hiện nay, xu hướng quản lý ngân quỹ hướng tới mục tiêu an toàn và hiệu quả; vừa đáp ứng nhu cầu chi trả thanh toán của các đơn vị giao dịch, vừa thực hiện các công cụ quản lý ngân quỹ, sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính Nhà nước.

Bên cạnh đó, KBNN đã hoàn thiện hệ thống tài khoản thanh toán tập trung theo thông lệ trên thế giới và khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) về mô hình tài khoản thanh toán. KBNN đã tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 58/2019/TT-BTC ngày 30-8-2019 quy định về quản lý, sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP). Trên cơ sở đó, KBNN đã thực hiện kết chuyển toàn bộ số dư tiền gửi thanh toán cuối ngày tại các ngân hàng TMCP về tài khoản duy nhất mở tại NHNN Việt Nam. Đây là bước cải cách mạnh mẽ của ngành tài chính, KBNN trong công tác quản lý ngân quỹ nhà nước theo hướng an toàn, hiệu quả; góp phần tập trung ngân quỹ nhà nước, nâng cao khả năng thanh khoản để đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN. Cùng với đó, việc tập trung toàn bộ tiền gửi thanh toán cuối ngày về NHNN Việt Nam đã hỗ trợ tích cực NHNN Việt Nam trong việc thực thi chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát cung tiền của nền kinh tế, điều hành lãi suất, tỷ giá, lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Hoạt động giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bến Tre. Ảnh: HỒNG ĐẠI.

Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, KBNN đã tiến hành ký kết hợp tác với các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Theo đánh giá, đây là những ngân hàng TMCP hoạt động an toàn, ổn định, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ Tài chính để tổ chức triển khai hợp tác trong lĩnh vực thu NSNN và thanh toán song phương điện tử. Mục tiêu chính trong việc hợp tác song phương giữa KBNN cùng các ngân hàng TMCP lần này là mở rộng phạm vi phối hợp thu NSNN và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng. Mục tiêu này cũng phù hợp với chiến lược phát triển của KBNN và các ngân hàng, đồng thời người dân, doanh nghiệp có thêm điều kiện tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng. Đại diện VPBank chia sẻ, việc hợp tác giữa KBNN và VPBank sẽ giúp VPBank sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán cho khách hàng, mở ra các kênh thanh toán tiện ích mới. Qua đó tăng cường cải cách hành chính và thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc KBNN cho hay, việc hợp tác giữa KBNN cùng các ngân hàng TMCP mang lại lợi ích, hiệu quả thiết thực cho cả người nộp ngân sách, ngân hàng và KBNN. Trong khi người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn với việc nộp ngân sách thì các ngân hàng cũng có cơ hội cung cấp thêm những dịch vụ thanh toán có chất lượng cho khách hàng, qua đó góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và thương hiệu của mình. Đối với KBNN, các khoản thu được tập trung nhanh, kịp thời hơn vào NSNN, không phải qua các khâu trung gian; đồng thời, thông qua việc trao đổi thông tin dữ liệu điện tử về thu ngân sách và ủy nhiệm thu bằng tiền mặt cũng giúp giảm khối lượng công việc thu ngân sách tại KBNN, tạo điều kiện cho KBNN tiếp tục tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Huy động 145.477 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Trước tác động của dịch Covid-19, thị trường tài chính tiền tệ trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) của KBNN: Mặt bằng lãi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng mạnh từ tháng 3-2020 do tâm lý lo ngại kinh tế khó phục hồi bởi dịch bệnh; đồng thời, giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp sụt giảm mạnh. Trên cơ sở kế hoạch vay và trả nợ của NSNN, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời bám sát diễn biến thị trường, KBNN đã điều chỉnh linh hoạt khối lượng phát hành, kỳ hạn trái phiếu trong từng thời kỳ nhằm bảo đảm khối lượng vốn cần huy động, mặt khác, duy trì sự ổn định của thị trường trái phiếu, đặc biệt là mặt bằng lãi suất phát hành. Tính đến ngày 15-7-2020, KBNN đã huy động được 145.477 tỷ đồng thông qua phát hành TPCP, trong đó đấu thầu qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đạt 136.387 tỷ đồng; phát hành nhận nợ với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam để đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995 (theo Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15-6-2018 của Quốc hội) là 9.090 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, để tăng tính hấp dẫn của thị trường TPCP, có thể tăng phát hành thêm các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các tổ chức; thực hiện hoán đổi các kỳ hạn lẻ về kỳ hạn chẵn giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường; miễn hoặc giảm phí giao dịch TPCP tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong giai đoạn thị trường khó khăn. Về mặt dài hạn, KBNN nên chủ động nâng khối lượng gọi thầu trong các giai đoạn thị trường thuận lợi, nhu cầu đầu tư nhiều và ngược lại nhằm hạn chế các tình huống lãi suất TPCP thứ cấp giảm nhanh do thiếu các nguồn cung hàng trong ngắn hạn. Bởi nhiều khi sự sụt giảm này cũng tiềm ẩn mức tăng mạnh trở lại nhanh chóng, dẫn tới tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư.

Để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh đến một số nhóm giải pháp thuộc các lĩnh vực như: Xây dựng cơ chế chính sách; quản lý thu, chi NSNN; công tác huy động vốn và điều hành ngân quỹ; công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; công tác quản lý cán bộ; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác quản lý tài chính nội ngành; ứng dụng công nghệ thông tin... Đồng thời, các đơn vị KBNN phải thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm quy chế thông tin báo cáo về tình hình tài chính NSNN cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây là nhiệm vụ thể hiện vai trò của hệ thống KBNN, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương...

Nguồn: Nguyễn Anh Việt/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bao-dam-an-toan-va-su-dung-hieu-qua-ngan-quy-nha-nuoc-631559 )


    Ý kiến bạn đọc