Bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân
EmailPrintAa
10:14 01/04/2020

Dự báo người dân sẽ có xu hướng mua sắm, tích trữ hàng hóa để chuẩn bị lương thực, thực phẩm khi thực hiện cách ly toàn xã hội từ 0 giờ ngày 1-4 trên phạm vi toàn quốc, Bộ Công Thương cho biết đã sẵn sàng các phương án, bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân. Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không nên đổ xô đi mua hàng hóa, bởi việc tập trung đông người có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tất cả địa phương đều đủ hàng hóa thiết yếu

Chiều 31-3, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Trần Duy Đông cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu với bộ đề nghị các địa phương xây dựng phương án bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu ứng phó với dịch Covid-19 theo 5 cấp độ. Đến nay, tất cả địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có những phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Trong đó, mỗi phương án các địa phương đều chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu, gồm: Gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả... Bộ Công Thương đã tính toán cụ thể nhu cầu của cả nước, nguồn cung trên cả nước. Chúng tôi cũng xây dựng bản đồ hàng hóa, gồm: Tổng kho, nguồn hàng, hàng ở đâu, doanh nghiệp nào cung cấp, cung cấp như thế nào cho 13 mặt hàng thiết yếu như vậy với từng phương án".

Về kế hoạch để hàng hóa được lưu thông thông suốt khi người dân được yêu cầu hạn chế di chuyển, "cách ly toàn xã hội" trong hơn hai tuần, ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương đã có phương án sẵn sàng. Cụ thể, hiện nay, người dân vẫn được ra khỏi nhà mua hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo với Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với phương án cao nhất thì sẽ phối hợp với quân đội và công an vận chuyển hàng hóa đến người dân. “Chúng tôi bảo đảm là bất kỳ địa phương nào khi cần hỗ trợ, khi nào cần nguồn hàng, mặt hàng nào thì Vụ Thị trường trong nước sẽ điều phối ngay hàng hóa từ nơi khác về. Đồng thời, có phương án khi doanh nghiệp phân phối lớn gặp vấn đề, có ca nhiễm thì sẽ có điểm bán hàng dã chiến, điểm bán hàng lưu động. Với tất cả phương án và sự chuẩn bị trên, nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ bảo đảm đủ cho người dân. Người dân không cần thiết phải tích trữ quá nhu cầu tiêu dùng cần thiết”, ông Trần Duy Đông khẳng định.

Người dân mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long, Hà Nội.

Về bố trí các điểm bán hàng, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí những điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh. Điều này để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…). Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.

Hà Nội tăng gấp 3 lượng hàng

Về tình hình cung cấp hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện nay, hệ thống các siêu thị trên địa bàn đủ hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho người dân, bảo đảm không tăng giá. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP Hà Nội đã xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các mức độ dịch (từ cấp độ 1 đến cấp độ 5). Do vậy, người dân không cần phải đi mua hàng tích trữ.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Công Thương, mỗi tháng bình thường, tổng giá trị hàng hóa thiết yếu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, trong tháng có dịch, các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng cho thị trường tăng gấp gần 3 lần, với tổng giá trị khoảng 64.000 tỷ đồng. Cùng với đó, để chủ động nguồn hàng đưa về các siêu thị, cửa hàng cung ứng thực phẩm, Sở Công Thương đã đề nghị Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố tạo điều kiện cho các xe chuyên chở nhu yếu phẩm hoạt động 24/24 giờ, không theo giờ cố định như trước đây.

Cập nhật thông tin từ một số hệ thống phân phối lớn như Tập đoàn Central Retail (sở hữu hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi), Tập đoàn BRG (sở hữu hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Saigon Co.op... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gấp 3 tới 5 lần với bình thường, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ phục vụ nhân dân.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc