Bao giờ thoát khỏi cảnh: Gia công, lắp ráp?
EmailPrintAa
11:23 28/01/2019

Trong hai năm qua, ngành công nghiệp ICT (bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin) phát triển rất nhanh với doanh thu năm 2018 ước đạt 98,9 tỷ USD, gấp 1,5 lần năm 2016. Trong đó, công nghiệp phần cứng, điện tử, sản xuất thiết bị viễn thông và công nghiệp phần mềm là thành phần đóng góp chủ lực. Thời gian tới, để lĩnh vực này phát triển hơn nữa, nhất là tạo ra những doanh nghiệp (DN) nội chủ lực dẫn dắt nền công nghệ, làm chủ công nghệ lõi cần có những cơ chế, chính sách phù hợp...

Doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu dừng ở gia công

Năm 2018, công nghiệp phần cứng, điện tử, sản xuất thiết bị viễn thông đóng góp doanh thu khoảng 88 tỷ USD. Việt Nam hiện đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, quyết tâm trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả thiết bị viễn thông và tiến đến xuất khẩu. Trong khi đó, ngành công nghiệp phần mềm đóng góp doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD; xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng chủ yếu đến từ khối DN FDI mà năm 2018 khu vực này không có thay đổi lớn. Các DN nội địa tuy đã có khởi sắc nhưng do quy mô còn khiêm tốn nên trong ngắn hạn chưa tạo ra sự bứt phá về tăng trưởng chung của toàn ngành. Thực tế cho thấy, những dự án đầu tư điện tử lớn nhất tập trung vào các tập đoàn nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản, như: Samsung, LG, Canon… DN Việt Nam trong lĩnh vực phần cứng, linh kiện, điện tử viễn thông phần lớn chưa thể tham gia vào chuỗi sản xuất thiết bị điện tử hoàn toàn 100%. Nguyên do là bởi khả năng đáp ứng yêu cầu về các sản phẩm hỗ trợ cho thiết bị điện tử còn yếu.

Công ty TNHH 4P sản xuất linh kiện điện tử tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Kiên Nguyễn.

Chia sẻ về thực trạng này, Thạc sĩ Đặng Lê Khánh Toàn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giải pháp điện tử T.C Việt Nam cho biết: “Cốt lõi sản phẩm điện tử là linh kiện chip, nhưng hầu như 100% chip nhập khẩu từ Đài Loan. Ngoài ra, gần 100% linh kiện nằm trên bo mạch cũng nhập khẩu từ nước ngoài, một số sản phẩm mua được ở công ty của Việt Nam nhưng cũng là nhập khẩu lại”. Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chiếm tỷ lệ hơn 80% giá trị của ngành công nghiệp điện tử, bao gồm các ngành: Công nghiệp sản xuất linh kiện, công nghiệp vật liệu, công nghiệp khuôn mẫu, gia công cơ khí. Tuy nhiên, CNHT tại Việt Nam ít phát triển, các DN sản xuất thiết bị hỗ trợ trong nước mới chỉ tham gia vào khâu làm các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa mà chưa có các linh kiện quan trọng. Tương tự như vậy, đối với lĩnh vực công nghiệp phần mềm, DN Việt Nam chưa tham gia sâu vào quá trình thiết kế, phát triển phần mềm mà chỉ tham gia vào công đoạn có giá trị gia tăng thấp, như gia công lập trình phần mềm. Trong khi đó, các DN FDI đang có ưu thế trong thị trường các sản phẩm phần mềm cao cấp đòi hỏi độ chuyên nghiệp cao, chẳng hạn như trong lĩnh vực logistics, các giải pháp liên quan đến kết nối tự động hóa trong sản xuất…

Tạo đà từ cơ chế, chính sách

Trong 10 năm qua, xếp hạng của viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã tụt hạng dần, xuống xếp thứ 108/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong cuộc họp Triển khai nhiệm vụ 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Những năm tới, chậm nhất là đến 2022, chúng ta phải đưa thứ hạng của Việt Nam về thứ 30-50”. Đề cập đến định hướng chính sách và triển vọng phát triển CNTT Việt Nam, theo TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT): Thực hiện xây dựng chương trình phát triển công nghiệp ICT giai đoạn 2021-2025 là việc làm cần thiết trong thời gian tới. Năm 2019, bộ sẽ xây dựng, hoàn thiện Đề án thành lập Cục Công nghiệp CNTT điện tử viễn thông để trình Chính phủ năm 2019. Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ hiện đại hóa hành lang pháp lý, nghiên cứu đề xuất phương án sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp CNTT theo hướng tạo hành lang pháp lý cần thiết thúc đẩy các ngành công nghiệp mới của Cách mạng công nghiệp 4.0, làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và ưu đãi đối với DN khi sửa đổi các luật liên quan đến thuế, đầu tư.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav cho rằng, thời điểm hiện nay là vận hội lớn để Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc về KH&CN. Theo ông, Bộ TT&TT có thể tư vấn cho Chính phủ chọn ra 5 DN công nghệ mũi nhọn để thúc đẩy phát triển. DN chủ lực phải làm chủ công nghệ lõi, sở hữu sản phẩm công nghệ nổi trội, từ đó, dẫn dắt DN khác. Việt Nam có tới 50.000 DN công nghệ. Do đó, các DN nên “bắt tay” với nhau để tạo ra chuỗi dịch vụ đem đến sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Ông dẫn chứng từ bài học quốc tế: “Hàn Quốc chỉ có 3 công ty lớn là Samsung, LG, SK, có doanh thu hơn 300 tỷ USD, dẫn dắt nền KH&CN”. Người đứng đầu BKAV cũng cho rằng, sản phẩm của DN nội địa với chất lượng sản phẩm và công nghệ lõi tốt, nếu có thêm sự hậu thuẫn về chính sách của Chính phủ, niềm tin của người tiêu dùng thì có thể lấy lại thị phần từ DN FDI. Đồng tình với ý kiến trên, nhiều chuyên gia nhận định, Chính phủ và Bộ TT&TT cần hỗ trợ cho DN nội địa có thể phát triển bùng nổ hơn. Cụ thể như ưu đãi về thuế, cơ chế tín dụng... Ví dụ, cơ chế tín dụng truyền thống chỉ phù hợp với lĩnh vực có tài sản hữu hình, chưa phù hợp với sản phẩm công nghệ với đặc thù riêng. Bên cạnh việc DN FDI nhận được nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam, cũng cần có ràng buộc đối với khối DN này như yêu cầu hỗ trợ DN trong nước về mặt chuyển giao công nghệ hay để DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất thiết bị.

Ngoài hỗ trợ chính sách, cơ quan Nhà nước cũng đóng vai trò rất quan trọng trong xúc tiến thương mại giữa DN nội và DN FDI bởi khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch… cần số vốn đầu tư rất lớn. Nếu không bảo đảm được đầu ra, DN chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn. Muốn Việt Nam tạo ra sản phẩm công nghệ "Made in Vietnam", một yếu tố quan trọng khác là cần có định hướng và chính sách phát triển CNHT, nếu không có CNHT thì DN Việt Nam chỉ mãi thuần túy lắp ráp gia công.

Nhân lực là yếu tố sống còn của ngành CNTT. Để cải thiện nguồn nhân lực, ông Lâm Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TP Hồ Chí Minh gợi ý, tại các khoa CNTT của các trường đại học, cao đẳng cần áp dụng chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, xem đây như một tiêu chí bắt buộc đối với ngành CNTT. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng đào tạo về CNTT để tránh tình trạng một số trường đào tạo tràn lan nhưng không bảo đảm chất lượng. Việc đánh giá này cần có sự tham gia của hiệp hội ngành nghề và DN địa phương chứ không nên tập trung vào cấp độ toàn quốc. PGS, TS Nguyễn Hữu Thanh, Viện trưởng Viện Điện tử-Viễn thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng đề xuất, để thỏa mãn nhu cầu nguồn nhân lực ICT phù hợp với tốc độ phát triển mạnh mẽ của KH&CN như hiện nay, phương pháp đào tạo nhân lực lĩnh vực này cần cải tiến vì công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ. Thay vì chỉ đào tạo chuyên môn, kỹ sư ngành điện tử cần được đào tạo nhiều kỹ năng: Khả năng đổi mới sáng tạo, khả năng dự đoán thị trường… Ngoài ra, các trường, viện đào tạo phải có sự liên kết chặt chẽ với DN để sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế, tăng cường quốc tế hóa trao đổi sinh viên với nước ngoài.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc