Bịt kẽ hở thuế
EmailPrintAa
17:07 27/03/2018

Thuế là nguồn thu chủ yếu và lâu dài của ngân sách Nhà nước. Nguồn thu về thuế vừa có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, điều tiết kinh tế vĩ mô, tạo nên cơ cấu kinh tế hợp lý, vừa là nguồn lực quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, ngành thuế Việt Nam có sự đổi mới khá toàn diện. Đặc biệt, thời gian gần đây, ngành thuế đã đột phá mạnh vào thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp thuế qua internet, nộp thuế qua ngân hàng và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khai thuế, nộp thuế. Cơ quan thuế tập trung vào việc hỗ trợ người nộp thuế, đôn đốc thu nợ thuế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế. Sự cải cách của ngành thuế đã góp phần quan trọng làm gia tăng nguồn thu từ thuế, giảm bội chi của ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách để “chui” vào những kẽ hở trong quản lý thuế, vi phạm pháp pháp luật về thuế, như: Trốn thuế, gian lận thuế gây thất thu lớn ngân sách Nhà nước. Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cho biết: Tổng số nợ thuế của cả nước tính đến ngày 30-9-2017 đã ở mức 73,9 nghìn tỷ đồng.

Cục thuế Hà Nội cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Ảnh: TTXVN.

Thống kê gần đây của ngành thuế cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật về thuế đang có xu hướng gia tăng. Vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các phương thức để lách luật, trốn thuế, gian lận thuế. Do thủ tục thành lập doanh nghiệp quá đơn giản, không có chế tài nghiêm khắc trong việc xử lý các “doanh nghiệp ma” nên có không ít doanh nghiệp được thành lập, nhưng không hoạt động hoặc thành lập xong rồi “bỏ quên”. Cũng có những doanh nghiệp thành lập ra nhằm che giấu cho một phi vụ làm ăn phi pháp nào đó rồi “biến mất” để lại tiền thuế nợ đọng.

Vi phạm trong lĩnh vực thuế diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa nhiều cá nhân, tổ chức ở nhiều địa phương, thậm chí một số trường hợp liên quan đến cá nhân, tổ chức ở nước ngoài, đặc biệt là hoạt động chuyển giá diễn ra có tổ chức, có liên kết giữa các công ty liên doanh, liên kết tại nhiều quốc gia. Điều đáng lưu ý là số vụ vi phạm phát hiện có dấu hiệu tội phạm về thuế tăng nhanh, nhưng kết quả điều tra khởi tố vi phạm lại thấp.

Để phòng, chống gian lận thuế, tạo cơ sở thu đúng, thu đủ các loại thuế, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế thì giải pháp cơ bản nhất là phải bịt cho được các kẽ hở về quản lý thuế hiện nay. Trước hết và quan trọng nhất là phải bịt bằng các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi khung pháp lý và xây dựng chức năng cũng như cơ cấu tổ chức của cơ quan điều tra thuế. Cùng với việc thường xuyên đối thoại, nắm bắt thực tế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, các cơ quan thuế cũng cần có chế tài mạnh hơn để xử lý các trường hợp cố tình nợ đọng thuế kéo dài, chây ỳ, gian lận thuế, như: Trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản, khấu trừ một phần lương hoặc thu nhập... Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Trong công tác quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế, cần có sự phối hợp giữa cơ quan tài chính, cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan công an để bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, đúng pháp luật. Mặt khác cũng cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý thuế. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa, biến chất. Phần mềm kê khai thuế cần được nâng cấp liên tục để bảo đảm việc rà soát các doanh nghiệp hoạt động báo cáo chính xác.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc