Bức tranh xuất nhập khẩu năm 2021: Những tỉnh top đầu không xáo trộn nhiều, có tỉnh bứt phá
EmailPrintAa
17:04 28/04/2022

Sáng 28-4, tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics", Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021. Đây là lần thứ 6 Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam được Bộ Công Thương xuất bản.

Năm 2021:  Kim ngạch xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19%

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 vừa được công bố đánh giá, năm 2021 là một năm rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất, nhập khẩu nói riêng bởi những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.

Từ quý II năm 2021, cán cân thương mại sau một thời gian dài duy trì xuất siêu đã chuyển sang nhập siêu do dịch Covid-19 tác động mạnh lên hoạt động sản xuất, nhập khẩu ở khu vực phía Nam. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11- 10- 2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã được coi như "cú hích" cho sản xuất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Các rào cản được tháo gỡ nên từ tháng 10, xuất khẩu liên tục tăng mạnh, tháng sau cao hơn nhiều so với tháng trước...

Kết thúc năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD; tăng 19% so với năm trước. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực khi nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục tăng cao; tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản và nông, thủy sản giảm. Đáng chú ý, cán cân thương mại đã chuyển dần từ nhập siêu vào cuối quý III sang xuất siêu sau cả năm và đạt mức thặng dư 4,1 tỷ USD cuối năm 2021.

Công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 tại hội thảo

Xuất khẩu các tỉnh top đầu không xáo trộn nhiều, có tỉnh bứt phá

Ngoài ra, báo cáo cho thấy: 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ.

Nổi bật trong số này, dù xếp ở vị trí thứ 10 (tăng 3 bậc so với năm 2020) trong bảng xếp hạng các địa phương dẫn đầu nhưng Phú Thọ là địa phương có tỷ trọng cao nhất, tỷ trọng tăng trưởng lên tới 91,5% so với năm 2020 với giá trị 8,2 tỷ USD.

Trong khi đó, mặc dù vẫn là địa phương có tỷ trọng dẫn đầu cả nước, đạt 44,902 tỷ USD nhưng TP Hồ Chí Minh chỉ đạt tỷ trọng tăng 1,2% so với năm 2020. Riêng Thủ đô Hà Nội đứng ở vị trí thứ 8 (tụt 1 bậc so với năm 2020, xếp sau Bắc Giang) của cả nước, đạt 15,5 tỷ USD nhưng cũng chỉ tăng 2,2% so với năm 2020. Điều này có thể lý giải được bởi trong năm qua, đây là hai trong số những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19.

Giá trị xuất khẩu theo địa phương năm 2021.

Ngược lại, 10 tỉnh có tỷ trọng xuất, nhập khẩu thấp nhất cả nước (tính từ trên xuống dưới) bao gồm: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, Điện Biên là tỉnh có tỷ trọng xuất khẩu thấp nhất cả nước, chỉ đạt 15,702 triệu USD, tăng trưởng âm lên tới 60,3%, tụt 3 bậc so với năm 2020.

Tuy vậy, đáng chú ý, trong các tỉnh nằm cuối bảng xếp hạng có Bắc Kạn chỉ đạt 41,248 triệu USD nhưng lại có tỷ trọng tăng trưởng đạt tới 276,6% so với năm 2020, tăng 3 bậc theo thứ hạng. Nhóm các tỉnh như Sơn La, Lai Châu dù vẫn có mức tăng trưởng tăng so với năm 2020 nhưng thứ hạng thống kê về kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ ở vị trí thứ 61 và 62 so với cả nước.

Qua “bức tranh” về những con số thống kê kim ngạch xuất khẩu của các địa phương cũng cho thấy, trong hai năm 2020, 2021, các tỉnh ở “top” đầu vẫn không có mấy sự xáo trộn về thứ hạng, chỉ có Phú Thọ đã nỗ lực “bứt tốc" vươn lên từ vị trí 13 lên vị trí thứ 10.

Tương tự như vậy, các tỉnh nằm “top 10” của bảng xếp hạng và các địa phương nằm nhóm cuối cũng không có nhiều sự thay đổi về vị trí. Các địa phương như Sơn La, Lai Châu, Đắk Nông, Hà Giang, Tuyên Quang vẫn không có nhiều sự thay đổi về thứ hạng; một số tỉnh còn giữ nguyên.

Những kết quả đạt được trong năm 2021 chứng tỏ sức chống chịu của hoạt động xuất nhập khẩu trước những tác động tiêu cực, toàn diện mà dịch Covid-19 gây ra là vô cùng ấn tượng. Đây là nền tảng vững chắc để hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục phát huy trong những năm tới.

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cùng những phân tích và dự báo cho thời kỳ tiếp theo.

Sau 6 năm xuất bản, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam đã trở thành kho thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, cung cấp những thông tin chính thống về hoạt động xuất nhập khẩu như thị trường, mặt hàng, các hiệp định thương mại tự do… giúp doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia… có được một nguồn thông tin hữu ích phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu của mình.

Nguồn: THẢO NGUYỄN/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/buc-tranh-xuat-nhap-khau-nam-2021-nhung-tinh-top-dau-khong-xao-tron-nhieu-co-tinh-but-pha-692974 )


    Ý kiến bạn đọc