Cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh
EmailPrintAa
14:28 26/02/2019

Theo đánh giá của nhiều tổ chức chuyên môn trong nước cũng như quốc tế, thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh (ĐTKD) tại Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Điển hình, Ngân hàng Thế giới đánh giá, từ năm 2015 đến nay, xếp hạng môi trường kinh doanh của nước ta đã tăng 21 bậc. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định, quyết tâm cải cách hành chính (CCHC), tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp của Chính phủ, các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị đã được cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức chuyên môn trong nước cũng như quốc tế, thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh (ĐTKD) tại Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Điển hình, Ngân hàng Thế giới đánh giá, từ năm 2015 đến nay, xếp hạng môi trường kinh doanh của nước ta đã tăng 21 bậc. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định, quyết tâm cải cách hành chính (CCHC), tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp của Chính phủ, các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị đã được cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Ảnh minh họa: vtv.vn

Môi trường ĐTKD thuận lợi là nơi mỗi người dân, doanh nghiệp đều nhìn thấy cơ hội và được tiếp thêm động lực để phát triển, đưa doanh nghiệp của mình tiến xa hơn. Đó là khi mọi thông tin về ĐTKD được công khai minh bạch, công bằng; những khó khăn, vướng mắc được nhanh chóng tiếp nhận và tháo gỡ. Nhìn vào những thay đổi của môi trường ĐTKD ở nước ta những năm qua, có thể thấy, doanh nghiệp khởi nghiệp đã được quan tâm hơn, doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong tiếp nhận những yếu tố cơ bản phục vụ sản xuất, kinh doanh, như: Vốn tín dụng, điện năng, giấy phép xây dựng, đồng thời các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư ngày càng được chú trọng.

Thực tiễn đã chỉ ra, cải thiện môi trường ĐTKD luôn song hành cùng công tác CCHC. Rõ ràng, thủ tục hành chính rườm rà, nhiều đầu mối, tốn thời gian, công sức đã tạo rào cản không nhỏ cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là môi trường dễ phát sinh tiêu cực hoặc những chi phí không chính thức, làm không ít nhà đầu tư nản lòng. Khi tinh thần CCHC theo hướng phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp được lan tỏa, các bộ, ngành, địa phương đã mạnh tay loại bỏ nhiều thủ tục hành chính. Theo thống kê của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, riêng trong năm 2018, các bộ đã cắt giảm 3.345 trên tổng số hơn 6.000 điều kiện kinh doanh, ước tính có thể tiết kiệm được cho người dân, doanh nghiệp gần 900 tỷ đồng/năm. Không dừng lại ở những con số này, tác động của giải pháp cải cách còn góp phần không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.

Việt Nam đặt mục tiêu nằm trong 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về môi trường ĐTKD. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn còn những thách thức rất lớn cần vượt qua. Dù hiện đang đứng thứ 5 trong ASEAN nhưng thứ hạng của nước ta (đứng thứ 69 thế giới) so với các nước cùng khu vực vẫn còn khoảng cách đáng kể. Để rút ngắn khoảng cách này, tiếp đà cho "bánh xe cải cách", cần cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn nữa môi trường ĐTKD. Muốn vậy, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành cần chú trọng loại bỏ những thủ tục bất hợp lý, không cần thiết, tránh tình trạng gói nhiều thủ tục vào một, hoặc bỏ "giấy phép mẹ lại đẻ giấy phép con"...

Dẫu thời gian qua, Chính phủ, các địa phương đã tập trung xây dựng cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trên nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, để giải pháp này phát huy hiệu quả hơn nữa, rút ngắn thời gian hơn nữa, giảm đầu mối, sự phiền hà không đáng có, thì sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần tiếp tục được tăng cường; trong đó xác định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, cũng như trách nhiệm người đứng đầu. Những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp cần được lắng nghe, chia sẻ với tinh thần cầu thị, để từ đó những chính sách khi đi vào cuộc sống sẽ trở thành động lực đưa doanh nghiệp phát triển, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc