Cần cơ chế phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng
EmailPrintAa
15:50 25/09/2018

Dù đã có những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) trên cả nước, vẫn cần có cơ chế phối hợp mạnh hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng vùng nhanh và bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả tái cơ cấu kinh tế trong tình hình mới.

Các chuyên gia nhận định, liên kết các vùng KTTĐ ở Việt Nam còn yếu, dẫn đến hiệu quả phát triển kinh tế vùng chưa cân xứng.

Đó là khuyến nghị được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo khoa học thúc đẩy cơ chế phối hợp phát triển các vùng KTTĐ ở Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (AUS4REFORM) tổ chức tại Hà Nội, chiều 24-9.

Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Trần Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Thể chế kinh tế (thuộc CIEM) cho biết, trong những năm gần đây, các vùng kinh tế trọng điểm luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so mức tăng trung bình của cả nước, trung bình 8,61% cho giai đoạn 2011-2015. Thu nhập của người dân ở những vùng này cũng cao hơn so các vùng kinh tế khác. Trong khi đó, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của các vùng KTTĐ cũng chiếm tỷ trọng cao, đạt 80,6% trong năm 2015.

Tuy nhiên, trong bốn vùng KTTĐ hiện tại là vùng KTTĐ Bắc Bộ, KTTĐ miền trung, KTTĐ phía nam và KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long, đã xuất hiện tình trạng tăng trưởng kinh tế không đồng đều. Thí dụ, số liệu năm 2015 về tổng đóng góp vào xuất khẩu chung của cả nước của bốn vùng đạt 80,6%, nhưng trong đó, vùng KTTĐ Bắc Bộ và KTTĐ phía nam chiếm tới 78,1%, hai vùng còn lại chỉ đóng góp khiêm tốn 2,5%.

Bên cạnh trình độ phát triển, năng lực kinh tế của các vùng còn khác nhau, một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu liên kết vùng. Ông Hiếu nhấn mạnh, việc chia cắt không gian vùng quá nhỏ với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước khiến cơ chế phối hợp giữa các vùng rất khó khăn, dẫn đến hoạt động kinh tế manh mún, kém hiệu quả.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Thể chế kinh tế (CIEM) cho rằng, việc chia cắt không gian vùng quá nhỏ gây ra nhiều khó khăn cho cơ chế phối hợp giữa các vùng kinh tế.

Ngoài ra, cơ chế phối hợp nội vùng giữa các địa phương trong vùng KTTĐ cũng chưa thực sự tốt. Dẫn kết quả nghiên cứu năm 2012, ông Hiếu cho biết, các địa phương vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long thường có xu hướng liên kết với các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh mà ít phối hợp các địa phương trong vùng do cơ cấu kinh tế các địa phương này thường tương đồng, không phát huy được lợi thế so sánh, dẫn đến các địa phương thường cạnh tranh nhau.

Theo các chuyên gia, việc duy trì sản xuất khép kín ở nhiều địa phương khiến cạnh tranh giữa các đơn vị trong vùng càng mạnh mẽ và hạn chế lẫn nhau, hệ lụy là khó liên kết được hoặc có chăng liên kết rất lỏng lẻo, dẫn đến không xây dựng được chiến lược liên kết vùng.

Để tạo một cơ chế mới giúp thúc đẩy mối liên kết và phối hợp trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng kinh tế, các chuyên gia khuyến nghị, cần chuyển từ cách tiếp cận vùng “đóng”, tức là gom các địa phương gần nhau để hình thành các vùng kinh tế, sang cách tiếp cận “mở” hơn, nhằm tạo ra không gian kinh tế vùng, không chỉ là địa giới hành chính mà mở ra thông điệp liên kết giữa các vùng, trong nội vùng và giữa các tỉnh, thành phố khác vùng trên cơ sở lợi ích so sánh.

Theo Phó Viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiếu, cần một liên kết rộng hơn, thậm chí hình thành các “tam giác” hoặc “tứ giác” phát triển, giúp lập nên các vùng có những lợi ích liên quan để cùng xây dựng phương án hành động chung.

Ông Lê Anh Vũ, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển bền vững vùng phát biểu tại hội thảo.

Muốn liên kết trở nên bền vững, theo ông Lê Anh Vũ, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cần bảo đảm lợi ích của những chủ thể trong vùng. Bài toán này có thể giải bằng cơ chế chính sách nhằm phát triển lợi ích của các chủ thể để liên kết thực sự tự nguyện dựa trên những lợi ích chung.

Cụ thể, cần ban hành chính sách vượt trội, là một luật hay một nghị định về phát triển vùng KTTĐ nhằm thể chế hóa, giải quyết các điểm nghẽn về thể chế của vùng. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế ràng buộc thực hiện liên kết, cho phép địa phương hưởng lợi từ ngân sách nhà nước khi thực hiện liên kết vùng, cùng cơ chế thưởng phạt/giám sát thực hiện các cam kết liên kết.

Bên cạnh đó, thông tin liên kết cũng là một yếu tố quan trọng, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vùng KTTĐ phục vụ lập kế hoạch, giám sát việc thực hiện liên kết vùng.

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc