Cần giải pháp liên kết cho vùng kinh tế trọng điểm miền trung
EmailPrintAa
18:18 01/07/2022

Vùng kinh tế trọng điểm miền trung nằm trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng này đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, do rào cản từ vị trí địa lý luôn hứng chịu nhiều thiên tai bão lũ cộng với cơ chế, chính sách về liên kết vùng chưa chặt chẽ đã khiến nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác, phát huy xứng tầm. Tìm ra những giải pháp căn cơ, hữu hiệu giải quyết “nút thắt” trong liên kết phát triển của vùng, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền trung đang là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong bối cảnh, tình hình mới hiện nay.

Bước đầu phát huy vai trò động lực, kết nối

Vùng kinh tế trọng điểm miền trung được thành lập tại Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.

Những năm qua, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành ở Trung ương, cấp ủy chính quyền trong vùng đã tập trung cho nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đó, việc xây dựng cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng và các vùng khác được xác định là một giải pháp quan trọng, được thực hiện nghiêm túc.

Các nhiệm vụ trọng tâm được chú trọng là gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, kêu gọi đầu tư đối với các dự án trọng điểm của vùng, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu kinh tế-xã hội cho vùng phục vụ cho công tác dự báo và phối hợp phát triển bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

Cụ thể, trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm). Giai đoạn 2011-2019 có sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể so thời kỳ trước (8,14%), song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm). Các địa phương nội vùng duy trì được mức tăng trưởng cao. Thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng, bình quân 12,05%/năm.

Tiếp đến là Quảng Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,58%/năm. Quảng Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài là nhờ vào vai trò quan trọng của khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó khu phức hợp ô-tô Chu Lai Trường Hải đã góp phẩn phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô-tô Việt Nam, tạo ra một số sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời kỳ dài (11,19%/năm), nhờ vào đóng góp của Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ năm 2009. Tỉnh Bình Định có tốc độ tăng trưởng khoảng 8,73%/năm. Những kết quả này bước đầu khẳng định vai trò động lực, kết nối và thúc đẩy sự phát triển chung cả vùng, khu vực của Tiểu vùng kinh tế động lực miền Trung.

Thắt chặt sợi dây liên kết vùng

Mặc dù vùng kinh tế trọng điểm miền trung duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, tuy nhiên quy mô nền kinh tế vùng còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2001, quy mô GRDP toàn vùng chỉ chiếm khoảng 5% GDP cả nước; đến năm 2019 cũng chỉ chiếm 7,09%. Xuất phát điểm của kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền trung còn thấp, đóng góp kinh tế của vùng trong nền kinh tế quốc gia chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế động lực.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, với diện tích tự nhiên khá lớn (khoảng 28.114km2), vùng kinh tế trọng điểm miền trung được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế về biển đảo và danh lam thắng cảnh, rất thuận lợi để phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế khác gắn liền với biển. Từ những lợi thế này, những năm qua, vùng kinh tế trọng điểm miền trung đã phát huy vai trò động lực, kết nối và thúc đẩy sự phát triển chung cho toàn miền trung, nhất là hình thành các khu kinh tế ven biển mang tính đột phá, đóng góp vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Ngoài ra, vai trò chuỗi đô thị động lực ven biển từ Huế đến Quy Nhơn cũng tạo nên một diện mạo mới, một không gian kinh tế ven biển đầy năng động của khu vực miền trung. Trên cơ sở phát huy tiềm lực phát triển du lịch từ lợi thế thiên nhiên ban tặng, nhiều không gian đặc trưng với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú đã để lại ấn tượng cho du khách, tạo động lực phát triển mạnh về du lịch liên kết vùng.

Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, vùng kinh tế trọng miền trung vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục khắc phục một cách có chiều sâu, chiến lược.

Một nguyên nhân lớn có thể thấy là dù Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền trung được thành lập sớm nhưng sau một thời gian đầu hoạt động hiệu quả thì ngày càng rời rạc, bộc lộ những khó khăn, hạn chế, chưa thực sự phát huy được hiệu quả cao như mục tiêu đề ra, khiến vùng này chưa phát huy vai trò động lực.

Có thể thấy rõ là, các thỏa thuận liên kết trong vùng còn mang tính hình thức, hành chính, nặng về quyết tâm chính trị, chưa có sự phối hợp thực chất. Thời gian qua, hợp tác nội vùng, hợp tác song phương phát triển, nội dung ngày càng toàn diện hơn nhưng các văn bản hợp tác mới chỉ mang tính chất đồng thuận về nguyên tắc, còn việc triển khai cụ thể chưa được quan tâm đúng mức.

Liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch còn yếu và thiếu hiệu quả. Thực tiễn xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cho thấy, một mặt các địa phương đều rất ít chú ý tới ý kiến của các địa phương liền kề đối với bản quy hoạch của tỉnh mình, mặt khác các địa phương ít quan tâm đến bản quy hoạch của địa phương khác và cũng e ngại động chạm tới lợi ích của nhau nên các góp ý không mang tính thực chất, trừ khi có sự đụng chạm trực tiếp tới lợi ích của địa phương mình.

Chính vì thế, quy hoạch các tỉnh trong vùng về bộ khung xây dựng gần giống nhau, dẫn đến việc thừa năng lực sản xuất, đầu tư dàn trải, trùng lắp tại các địa phương trong vùng. Việc phối hợp trong xây dựng quy hoạch không mang lại nhiều kết quả nên việc triển khai thực hiện quy hoạch lại càng khó có khả năng liên kết do ngay từ giai đoạn đầu đã không xuất hiện nhu cầu liên kết vùng.

Các hoạt động liên kết theo ngành, lĩnh vực sản xuất chưa phát huy hiệu quả. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Kết nối về đầu tư còn rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. Liên kết trong phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng chưa cao. Trong thực tế, do chưa có một “nhạc trưởng” điều tiết, quy hoạch, nên việc đầu tư xây cảng biển ở miền trung thiếu trọng tâm, hiệu quả kinh tế không cao, khiến nhiều cảng chỉ hoạt động 20%-30% công suất.

Kết nối về đào tạo và sử dụng lao động chưa có trọng tâm, chưa đáp ứng quy mô của vùng. kết nối về khoa học, công nghệ, thông tin truyền thông còn khiêm tốn.  Chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về các ngành, lĩnh vực ưu tiên liên kết vùng do đó chưa hỗ trợ được việc chọn lựa các dự án liên kết vùng, từ đó chưa đánh giá được quá trình và hiệu quả của các hoạt động liên kết…

Dự báo tình hình trong nước và quốc tế thời gian tới cho thấy, quá trình hội nhập và sức ép ngày càng tăng trong việc cải thiện môi trường đầu tư là những tiền đề quan trọng để đẩy mạnh quá trình liên kết: xây dựng hạ tầng cơ sở, hình thành vùng sản xuất, chuỗi liên kết ngành hàng. Thế và lực của đất nước ta sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

Kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Một số hiệp định FTA thế hệ mới quan trọng đã được ký kết như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), đòi hỏi phải cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, tạo cơ hội mở rộng thị trường, đầu tư cho phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đối mặt với nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức lớn; độ mở của nền kinh tế lớn làm các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn. Khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn; khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục. Năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế; các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực,... Mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế và vẫn tham gia ở các công đoạn giản đơn.

Đây là những thời cơ và thách thức đang đặt ra trong phát triển kinh tế vùng kinh tế động lực miền trung mà liên kết vùng là bản lề cho động lực phát triển. Nhưng để thắt chặt sợi dây liên kết, tạo động lực phát huy thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống từ Trung ương đến cấp ủy, chính quyền các địa phương trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả, sức mạnh của liên kết vùng.

Nguồn: VĂN TOÁN - TẤN NGUYÊN/nhandan.vn

( https://nhandan.vn/nhan-dinh/can-giai-phap-lien-ket-cho-vung-kinh-te-trong-diem-mien-trung-703467/ )


    Ý kiến bạn đọc