Chậm nhất đến ngày 15-8 hoàn thành cắt giảm điều kiện kinh doanh
EmailPrintAa
15:01 13/07/2018

Ngày 12-7, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức buổi kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua, một số bộ, ngành đã có hành động cụ thể rà soát, sửa đổi các văn bản về kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; loại bỏ quy định chồng chéo giữa các cơ quan... Tuy nhiên, thống kê cho thấy kết quả thực tế của các hành động này chưa được như mong đợi. Đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành liên quan đều phải xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh hiện có. Nhưng cho đến tháng 6-2018, mới chỉ có Nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương đã được ban hành, còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các Bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, các bộ, ngành không nên giao cho các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án, nghị định, thông tư cải cách việc cấp phép. Nên giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác. Các phương án cải cách cần mang tính triệt để. Các bộ cần mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong luật để có phương án sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đánh giá, việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành chuyển biến rất chậm, những bất cập chưa được cải cách triệt để, các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chậm được triển khai. “Nhiều bộ có phương án nhưng chưa thực hiện, dù đã công bố cắt giảm nhưng sau thời gian dài chưa có kết quả cụ thể, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chi phí phục vụ kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp hiện còn rất lớn do kết quả kiểm tra lô hàng trước, cùng chủng loại nhưng không được thừa nhận ở lô hàng sau. Khâu tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là khâu tốn thời gian nhất khi doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu, thời gian trung bình là 76 giờ, cao hơn gần gấp 3 lần so với các nước trong nhóm ASEAN 4. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, cơ quan phải hoàn thành thủ tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, trình Chính phủ dự thảo nghị định để chậm nhất đến ngày 15-8 có thể ban hành nghị định sửa đổi. Cách thức thực hiện cắt giảm theo hình thức ban hành 1 nghị định để sửa nhiều nghị định, sẽ trình Chính phủ với thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu thời gian.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc