Chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP
EmailPrintAa
15:40 10/11/2020

Bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại phiên giải trình và trả lời chất vấn sáng 10/11 tại Hội trường Quốc hội.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất

Đáng lưu ý, kết quả nói trên đạt được trong bối cảnh không chỉ riêng trong năm 2020 này mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Vùng ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, có địa phương đã đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên, kể cả trong bối cảnh đại dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong khó khăn, bài học từ "câu chuyện bó đũa", từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tinh thần đó một lần nữa đã được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt năm 2020 khi Việt Nam đối diện, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch COVID-19, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Với những thành tựu đạt được trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu. Chúng ta đã hoàn thành tốt trọng trách và các cam kết tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế như vai trò chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng liên nghị viên các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tổ chức tốt Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều...

Những cải cách hành chính mạnh mẽ, trong hơn 4 năm qua đã góp phần tăng tổng số doanh nghiệp được thành lập mới đạt gần 350 nghìn doanh nghiệp, tương đương một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng vốn đạt gần 10 triệu tỷ đồng. Giờ đây Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp có quy mô tài sản từ hơn trăm triệu đến hàng tỷ đô-la, trong đó có nhiều tập đoàn chế tạo, công nghệ thông tin, viễn thông; trong gần 5 năm qua có trên 60 nhà máy chế biến hiện đại được xây dựng và đi vào hoạt động. Trong lĩnh nông nghiệp đã có sư tham gia tích cực của nhưng tập đoàn hàng đầu Việt Nam, hứa hẹn đem lại những đột phá lớn về chuỗi cung ứng, về nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn, quy mô công nghiệp, có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu…

Trong hơn 4 năm qua, chúng ta đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới cho những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Năng suất lao động của nền kinh tế chúng ta thực sự đã được cải thiện rõ nét trong những năm qua với mức tăng 5,8% một năm, cao hơn nhiều so với mức 4,3% giai đoạn trước đây. Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân chúng ta đã tương đương gần 9.000 USD (tính theo ngang bằng sức mua).

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong nhóm “4 con Hổ Châu Á” cộng lại và đến 2045 chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số Hàn Quốc. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020. Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để giảm nghèo bền vững cho 3% hộ dân còn lại; đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng lõi nghèo - ở nơi đó có những người trong độ tuổi lao động chỉ kiếm được thu nhập dăm ba trăm nghìn đồng một tháng.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cấp các ngành ưu tiên nguồn lực, bố trí đất đai, có cơ chế phù hợp để phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa ở khu công nghiệp như ý kiến Đại biểu Quốc hội đã nêu. Thủ tướng cũng ghi nhận ý kiến của Đại biểu về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người có nhiều đóng góp đã về hưu trước năm 1993. Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Bộ Tài chính trình phương án đề xuất lên Thủ tướng và  Chính phủ để xem xét, xử lý cụ thể đúng quy định và đảm bảo khả năng cân đối của NSNN.

Những kết quả này là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Thủ tướng cho rằng, những con số thống kê, dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu kinh tế và những tiến bộ trong đời sống xã hội. Đó là cả một chặng đường đầy khó khăn, không phải chỉ cải cách một lần mà phải nhiều lần của các thế hệ đi trước trong nhiều giai đoạn. Điều quan trọng là chúng ta đã biết tận dụng tốt hơn các cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, sánh vai với cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.

Chúng ta cần tiếp tục phải duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp (dưới 4%) và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng.

“Như tôi từng nói, thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII đề ra mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, với tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện, bao trùm của chính chúng ta. Đó là một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nơi mà mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trong xu thế hiện nay, chúng ta cần tiếp tục kiên trì một số biện pháp và chính sách quan trọng nhằm củng cố hơn nữa niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, cụ thể là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng giảm thiểu rủi ro, chi phí và các thủ tục; loại trừ các xung đột, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

Ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống về cả ba phương diện số lượng, chất lượng, và tính đồng bộ. Chú trọng đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn miền núi.

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo lao động giàu kỹ năng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.

Lành mạnh hóa hơn nữa hệ thống tài chính- ngân hàng, áp đặt kỷ luật đối với các ngân hàng yếu kém để giảm rủi ro, giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Khẳng định tất cả chúng ta đều đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ hiện nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, nhiều công trình sáng tạo độc đáo của thế hệ trẻ, Thủ tướng nêu rõ, cần tăng cường đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên; đặc biệt là thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi, tạo nhiều việc làm mới  cho khu vực này thông qua những dự án đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân. Cần có cơ chế thu hút nhân tài, kể cả trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước như ý kiến đại biểu Quốc hội  đã nêu.

Nguồn: Hà Chính/chinhphu.vn

( http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chung-ta-da-tao-ra-hon-1200-ty-USD-GDP/413528.vgp )


    Ý kiến bạn đọc