Chung tay tiếp sức hàng Việt
EmailPrintAa
16:31 21/07/2020

Sớm đẩy lùi dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế-xã hội của Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi rất khả quan, song có nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng bị thiệt hại, khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Thiếu hoặc không có việc làm, thu nhập của người lao động xuống thấp kéo sức mua xã hội xuống theo. Khi các thị trường thế giới vẫn đang lao đao vì diễn biến khó lường của đại dịch, nhu cầu cho kinh tế và đời sống giảm ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang những nội dung và ý nghĩa mới vừa đa dạng, vừa sâu sắc hơn.

Tình yêu hàng Việt phải đến từ mọi phía cả người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Tình yêu ấy đang được khơi lên và nuôi dưỡng bằng nhiều chính sách, giải pháp cùng sự năng động và trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành liên quan. Cùng với giải pháp kích cầu, khuyến mãi và giảm, giãn thuế, hạ lãi suất ngân hàng, là sự chủ động tìm tòi, đổi mới của nhiều doanh nghiệp. Không ỷ vào lợi thế từ các mặt hàng quen dùng và sự tiện lợi của mạng lưới phân phối có sẵn, nhiều nhà bán lẻ danh tiếng đã tìm cách đưa hàng đến tận các khu công nghiệp, địa bàn dân cư. Ở đây có sự chung tay của các tổ chức chính trị tại cơ sở. Việc phát huy những tiện ích bán hàng qua mạng đã thể hiện hiệu quả trong giai đoạn giãn cách xã hội khiến thương mại điện tử trong trạng thái bình thường mới liên tục tăng lên. Số lượng khách đi tàu bay, đi du lịch trong nước cũng tăng trở lại. Có nơi lượng khách đạt mức bằng hoặc gần như trước dịch bệnh, như: Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảo Phú Quốc và vùng biển, đảo Tây Nam. Có nơi tăng bất ngờ như vùng du lịch Quảng Nam-Đà Nẵng-Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung... Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, việc làm mới từng điểm du lịch và tạo ra các sản phẩm mới, không gian trải nghiệm mới tạo sức hút mới.

Người dân tham quan, mua sắm hàng Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, cái mới nào cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức mới nảy sinh. Hiện tượng lợi dụng tiện ích bán hàng qua mạng để lừa đảo, bán hàng giả, hàng kém chất lượng đã diễn ra khá nhiều từ các cơ sở “hữu danh vô thực”. Sự việc kho hàng giả khổng lồ bị phát hiện những ngày mới đây còn cho thấy sự tinh vi và trắng trợn của những kẻ buôn gian bán lận đến độ nguy hiểm tới chừng nào. Cũng bởi vậy, việc vào cuộc tích cực, kiên quyết của các lực lượng phòng chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại là bức thiết hơn bao giờ hết. Bảo vệ hàng Việt luôn cần bàn tay sạch và mạnh mẽ của các cơ quan thực thi pháp luật.

Yêu cầu khôi phục và phát triển kinh tế của đất nước cũng chính là yêu cầu và mục tiêu tự thân của các doanh nghiệp. Chính đội ngũ hùng hậu này sẽ là lực lượng chủ lực tạo nên hàng Việt. Chính họ là những cánh tay “đón” và “đưa” hàng Việt đến các thị trường trong và ngoài nước. Họ phải sản xuất, chế tạo, cung ứng hàng hóa, sản phẩm bằng sự liên kết chuỗi để bảo đảm chất lượng, uy tín và thông thoáng. Họ phải hướng tới và vươn tới những tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế cả trong chất lượng và bao bì, nhãn mác, phải góp sức xây dựng được thương hiệu Việt mới có thể đưa hàng Việt đi xa hơn.

Tính chung 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so cùng kỳ năm 2019. Tuy con số này đáng mừng song thực tế chỉ có nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,8%, còn các nhóm hàng khác đều sụt giảm so với các năm trước. Điều này là tất yếu khi đại dịch đã và vẫn đang tác động xấu đến thị trường cả trong nước và thế giới. Nhưng quan trọng hơn, nhiều nhóm ngành hàng thực tế đã có bước khôi phục khả quan. Chính vì thế, khi đã kiểm soát được dịch bệnh, khi đã nhìn rõ hướng đi lên và cơ hội đến thì sự chung tay tiếp sức của cả hệ thống chính trị, của mọi ngành nghề, mọi lao động hàng Việt Nam chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu và lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam, sẽ có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Nguồn: Anh Nguyễn/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chung-tay-tiep-suc-hang-viet-627507 )


    Ý kiến bạn đọc