Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu
EmailPrintAa
15:40 15/05/2018

Ngày 14-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIV khai mạc Phiên họp thứ 24, đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) những tháng đầu năm 2018, các thành viên Ủy ban TVQH đều cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2017 và đầu năm 2018 có nhiều khởi sắc và đây là nền tảng để kinh tế tiếp tục bứt tốc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Hiệu quả bước đầu từ việc đổi mới mô hình tăng trưởng

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, báo cáo bổ sung về kết quả KT-XH năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Năm 2017 là năm thành công trên tất cả các mặt của nền kinh tế với 12/13 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt mục tiêu kế hoạch. Kết quả nổi bật nhất là kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng, đạt 6,81% (mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay), trên nền lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 4%) và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ có một chỉ tiêu không đạt kế hoạch so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP, chỉ đạt 0,5% (số đã báo cáo và mục tiêu kế hoạch là 1,5%). Nguyên nhân là do chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi những dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất.

Đáng chú ý, tiếp đà tăng trưởng của năm 2017, sang quý I-2018, tình hình KT-XH vẫn giữ được xu thế tích cực, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý I của 10 năm trở lại đây. Điều này thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô, chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lực Việt, Hà Nội.

Thảo luận tại hội trường, các thành viên Ủy ban TVQH cũng nêu nhiều thách thức mới của nền kinh tế trong năm nay. Trong đó có những vấn đề nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp (DN) nội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá... Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo lắng khi năng suất lao động của Việt Nam thấp so với nhiều nước trong khu vực, với mức chênh lệch ngày càng gia tăng. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định băn khoăn trước thực trạng tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào DN có vốn đầu tư nước ngoài khi giá trị xuất khẩu của khu vực này chiếm đến 72%. Nhấn mạnh tới yêu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đặt vấn đề, nền móng để phát triển cho giai đoạn tới của Việt Nam không phải là vốn và lao động như nhiều năm trước đây nữa. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng là phải chuyển sang phát triển kinh tế chiều sâu, vậy Việt Nam đã chuẩn bị vấn đề như thế nào?

Động lực chính cho tăng trưởng: Công nghiệp chế biến, chế tạo

Làm rõ câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ quan tâm đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. “Năm 2018, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần theo các quý. Trong đó, động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá cho nền kinh tế là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, Chính phủ sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động cơ cấu lại, rà soát, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và đặc sản làng/xã) thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Khu vực công nghiệp và xây dựng tập trung thực hiện cơ cấu lại DN Nhà nước, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm. Khu vực dịch vụ tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao; khuyến khích đầu tư, phát triển mạnh các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao...; nhất là dịch vụ chất lượng cao về đào tạo nguồn nhân lực và y tế, chăm sóc sức khỏe.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phát biểu kết luận vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, tình hình kinh tế năm 2017 và quý I-2018 tăng trưởng rất khả quan, trong đó ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo là động lực chính cho tăng trưởng. Về các doanh nghiệp FDI, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhất là việc giải quyết quyết việc làm, đóng góp lớn vào NSNN. “Có nhiều ý kiến lo ngại về đầu tư FDI nhưng giải pháp chính là làm sao để các DN trong nước lớn mạnh lên, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta cần làm rõ, DN Việt Nam phát triển chưa như kỳ vọng có phải là do cơ chế chính sách hay nguyên nhân ở đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu Ủy ban TVQH cũng cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2017, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2018 của Chính phủ.

Cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh; ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh mất quyền ĐBQH

Chiều cùng ngày, cho ý kiến về công tác nhân sự, căn cứ theo quy định của pháp luật, Ủy ban TVQH đã thông qua nghị quyết cho thôi nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh kể từ ngày 14-5-2018. Trước đó, ngày 4-5-2018, Ủy ban TVQH nhận được đơn của bà Phan Thị Mỹ Thanh đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Nai xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về Đảng.

Sau đó, Ủy ban TVQH đã nghe Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban TVQH báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, ĐBQH khóa XIV tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, ĐBQH khóa XIV tỉnh Quảng Nam. Theo quy định pháp luật, ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền ĐBQH kể từ ngày hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội.

Nguồn: Vũ Dung/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc