Quang cảnh buổi hội thảo.
Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cú huých tái bùng phát của dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số. Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới.
PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, nghị quyết Đại hội XII đã đặt ra vấn đề về vai trò quan trọng của khoa học công nghệ và điều đó được khẳng định rõ hơn trong nghị quyết Đại hội XIII. Trong đó, quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ưu tiên số 1.
Cũng theo ông Bùi Quang Tuấn, quá trình chuyển đổi kinh tế Việt Nam từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi tăng trưởng dựa trên năng suất. Đổi mới kinh doanh và số hoá là một cách thức để Việt Nam đạt được tăng trưởng năng suất cao hơn, khả năng chống chịu và phục hồi tốt hơn khi có cú sốc bên ngoài. Như vậy yêu cầu nắm bắt xu hướng của khoa học công nghệ nói chung và vận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng đang là một yêu cầu cấp thiết.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh trình bày tham luận kinh tế số.
Trình bày tham luận kinh tế số “Đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp”, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, chuyển đổi số là tổng hòa của 5 trụ cột: Văn hoá, chiến lược kinh doanh số; gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng; tối ưu quy trình; công nghệ hóa; phân tích và quản lý dữ liệu. Để quá trình chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần nghĩ lớn, làm cụ thể, quyết liệt từ việc nhỏ, nâng cao tính đổi mới và tính lan tỏa. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần gắn bó sâu sắc chuyển đổi số với chiến lược và phát triển. Đặc biệt, trong một cơ quan doanh nghiệp, lãnh đạo phải là người đi tiên phong.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử. Qua đó, góp phần mang lại cái nhìn đa chiều, chuyên sâu, giải quyết những bài toán khó về chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử trong thời gian sắp tới cho doanh nghiệp.
Nguồn: TRẦN YẾN/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa vào con người Việt Nam ( 26/06)
- Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Hệ sinh thái tài chính hiện đại, cạnh tranh toàn cầu, thể chế đột phá ( 12/06)
- Triển khai các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả ( 31/05)
- Tăng cường công cụ cho cơ chế điều phối liên ngành trong phát triển bền vững kinh tế biển ( 28/05)
- Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển ( 20/05)
- Nghị quyết 68: Đột phá tư duy, mở khóa tiềm lực ( 19/05)