Cơ chế một cửa quốc gia vẫn cần nhiều cải cách
EmailPrintAa
16:58 07/07/2020

Tạo thuận lợi thương mại, trọng tâm là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC) xuất nhập khẩu là cách thức để Việt Nam hiện thực hóa các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc hình thành và đưa vào hoạt động cơ chế một cửa quốc gia (MCQG) từ tháng 11-2014 giúp doanh nghiệp (DN) đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, nhờ đó tiết kiệm thời gian và các chi phí tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế của Cổng thông tin MCQG cần sớm được khắc phục.

Giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa công bố “Đánh giá mức độ hài lòng của DN và thời gian thực hiện TTHC qua cơ chế MCQG”. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đã có 198 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối tham gia Cổng thông tin MCQG. Song báo cáo này là tổng hợp và phản ánh ý kiến của gần 3.100 DN về 12 TTHC-dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin MCQG. Những thủ tục trong diện đánh giá thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 5 bộ, ngành, bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.

Hoạt động thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: HỒNG GIANG

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng thông tin MCQG hiện hoạt động tốt. Tỷ lệ DN đánh giá cao tính thuận lợi đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ”. Dù vậy, vẫn có 27% DN chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của Cổng thông tin MCQG do còn gặp những lỗi kết nối; khoảng 20% DN phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ trên cổng còn chậm. Về thời gian tuân thủ, báo cáo chỉ ra rằng, có 10/12 TTHC ghi nhận thời gian DN phải dành ra cho thực hiện thủ tục đã giảm đi. Số ngày tiết kiệm được từ 1 đến 3 ngày; ngoài ra, 8 TTHC ghi nhận chi phí giảm đi đáng kể so với trước phương thức cũ.

Đẩy mạnh kết nối và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành

Đại diện đơn vị thực hiện báo cáo khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhấn mạnh, việc triển khai cơ chế MCQG đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện TTHC cho DN. Tuy nhiên, sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các bộ, ngành. Cụ thể, các thủ tục thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dễ thực hiện hơn so với các thủ tục thuộc 3 bộ còn lại (Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ)… Đáng chú ý, ở mỗi thủ tục, chi phí phát sinh nhiều nhất là ở giai đoạn tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Theo ông Đậu Anh Tuấn, nguyên nhân là do hệ thống xử lý thủ tục của bộ quản lý chuyên ngành chưa điện tử hóa hoàn toàn. Ở một số thủ tục tồn tại song song việc làm thủ tục trên Cổng thông tin MCQG, vừa nộp hồ sơ giấy ở bộ ngành quản lý; thông báo tình trạng xử lý hồ sơ nhiều khi không rõ ràng, một số DN bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần và thời gian các bộ xử lý hồ sơ của một số DN tương đối lâu, dẫn đến tốn kém thời gian, chi phí.

Ở góc độ DN, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu thực trạng, có trường hợp, cùng một loại thủ tục nhưng DN phải thực hiện nhiều lần do các bộ, ngành chưa đẩy mạnh kết nối và chia sẻ thông tin. Do đó, thời gian tới Tổng cục Hải quan cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung; cùng với đó cần sự vào cuộc của tất cả các bên để cơ chế MCQG vận hành hiệu quả, thông suốt. Đại diện một số DN, hiệp hội ngành hàng cũng kiến nghị các bộ, ngành cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, khắc phục các khó khăn của DN khi sử dụng chữ ký số và nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho DN khi thực hiện TTHC.

Ở góc độ bộ ngành, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương là một trong những bộ đầu tiên tham gia Cổng thông tin MCQG. Song đến nay, Bộ Công Thương mới kết nối được 11 thủ tục, còn lại 6 thủ tục chưa kết nối được dù đã sẵn sàng các điều kiện triển khai. Trong khi đó, sau 6 tháng Chính phủ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ Công Thương đã đưa lên được 131 TTHC. “Sự tham gia của các bộ, ngành là một phần, nhưng quan trọng nhất vẫn là đơn vị vận hành cơ chế MCQG, đó là cái trục còn các bộ ngành là nan hoa kết nối vào”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Nguồn: Khánh An/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/chinh-sach/co-che-mot-cua-quoc-gia-van-can-nhieu-cai-cach-626205 )


    Ý kiến bạn đọc