Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
15:15 29/04/2016

Trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong số các dự án đã được triển khai là Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” tại tỉnh Hà Tĩnh do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

      

 

Lãnh đạo và cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh khảo sát rừng ngập mặn tại huyện Nghi Xuân

 

Dự án hướng đến những hoạt động cụ thể như hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực quản lý rừng ngày càng hiệu quả, mở rộng hoạt động trồng rừng; tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực tự bảo vệ của các xã thuộc dự án trước rủi ro thảm họa, tác động biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực của Hội Chữ thập đỏ để xây dựng, thực hiện hiệu quả, bền vững những chương trình quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng. 

Qua 19 năm triển khai Dự án, đã có hơn 1.000 ha rừng ngập mặn được trồng mới và trồng dặm ở 28 xã, phường của 8 huyện, thị, thành phố (Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thành phố Hà Tĩnh và Thị xã Kỳ Anh). Rừng ngập mặn có tác dụng phòng hộ ven biển, được ví như “bức tường xanh” vững chắc bảo vệ cho toàn bộ tuyến đê trực diện với biển, bảo vệ an toàn cho cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển, ven sông. Qua thực tế những năm có bão, triều cường, toàn bộ hệ thống đê biển, đê sông và đê đầm thủy sản của các địa phương có rừng che chắn phía ngoài đều được bảo vệ an toàn, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho việc tu bổ, sửa chữa đê, kè cống hàng năm.

 Từ khi có rừng ngập mặn, môi trường sinh thái vùng ven biển đã được cải thiện. Các loài thủy hải sản cũng phong phú hơn, toàn bộ diện tích từ bãi ngoài, bãi triều được người dân sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản. Vì thế, đời sống người dân các xã ven biển và những vùng lân cận từng bước được nâng lên. Rừng ngập mặn không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của các quần thể sinh vật cửa sông ven biển, đồng thời là nơi duy trì đa dạng sinh học cho biển.

Tuy nhiên, hiện nay rừng ngập mặn đang bị tác động bởi nhiều yếu tố: người dân làm ao nuôi thuỷ sản, chăn thả gia súc, xây dựng công trình, xả thải nước và rác từ các hoạt động sinh hoạt và nông nghiệp, rác thải từ thượng nguồn và trung lưu đổ về...

 Trước nguy cơ rừng ngập mặn bị xâm hại, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn gắn liền với phát triển bền vững là trách nhiệm của các ban, ngành liên quan và cộng đồng địa phương. Vấn đề đặt ra là cần có chiến lược cụ thể, phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 và được lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời đề ra các giải pháp có tính hệ thống và đặc thù để quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả của những cánh rừng ngập mặn. Việc thực hiện các giải pháp cần có sự phối hợp liên ngành và dựa vào cộng đồng, đảm bảo hài hòa lợi ích về môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của người dân và các địa phương.

Trần Thị Thanh Loan (Hội Chữ thập đỏ tỉnh)


    Ý kiến bạn đọc