Đại biểu Quốc hội “bắt mạch” điểm yếu trong phát triển kinh tế
EmailPrintAa
09:00 03/11/2015

Các Đại biểu Quốc hội chỉ rõ những tồn tại yếu kém cần phải được khắc phục để thực hiện thành công chiến lược phát triển nền kinh tế.

Đa số đồng tình với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội như trong báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những điểm còn yếu kém của nền kinh tế, cần khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Mục tiêu chiến lược không thể cứ chung chung”

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) tạm hài lòng về các thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm qua cũng như cả nhiệm kỳ, song cũng rất trăn trở về những kết quả lẽ ra phải tốt hơn. Bởi lẽ nước ta đã có những thuận lợi rất cơ bản khi người dân năng động, cần cù, tin và ủng hộ đường lối của Đảng, nhà nước; Quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào, môi trường xã hội ổn định, quan hệ quốc tế thuận lợi.

Do đó, đối với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Đại biểu Huỳnh Nghĩa mong muốn đất nước cần có cách tiếp cận mới. Các chỉ tiêu tăng trưởng GDP là cần thiết nhưng sẽ vô nghĩa nếu dựa trên cách tổng hợp số liệu không sát thực tế.

Qua nhiều năm theo dõi tôi thấy, việc đề ra các chỉ tiêu và xác định mức tăng GDP hằng năm chưa thật sự khoa học. Có thể con số tăng trưởng từng năm đều đạt, song xét kết quả chung của nền kinh tế cần phải xem lại. Chúng ta đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa - Đó là mục tiêu đúng, thể hiện nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm chính trị của lãnh đạo, nhưng mục tiêu này không có nội dung cụ thể của một nước công nghiệp hóa”, Đại biểu Huỳnh Nghĩa thẳng thắn chỉ rõ.

 

Đại biểu Huỳnh Nghĩa mong muốn đất nước cần có cách tiếp cận mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

 

Cũng theo Đại biểu Huỳnh Nghĩa, ngoài những yêu cầu, nội dung chiến lược và mục tiêu chung, chúng ta chưa có chiến lược và chỉ tiêu cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Với một nước công nghiệp hóa trước hết phải thể hiện ở năng lực sản xuất, dựa trên nền tảng sản xuất máy móc công nghiệp và tỷ trọng của sản phẩm công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cho đến nay chưa biết mặt hàng nào của Việt Nam là sản phẩm điển hình thể hiện năng lực kinh tế trên thị trường thế giới? Chúng ta nói rất nhiều và rất sớm về công nghiệp hỗ trợ, về nội địa hóa ngành sản xuất ô tô nhưng kết quả đến nay còn lâu mới đạt. Vì sao sau nhiều năm xây dựng các khu công nghệ cao mà vẫn chưa đạt yêu cầu như mong đợi? Vì sao sản lượng gạo xuất khẩu nước ta vào loại cao nhất, nhì thế giới nhưng đời sống nông dân vẫn còn nhiều khó khăn? Thời gian để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa chỉ còn 5 năm nữa nhưng có lẽ khó đạt được. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm của việc không đạt này?”, Đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt nhiều câu hỏi.

Do đó, Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị Chính phủ khi lập kế hoạch ở mỗi ngành, lĩnh vực cần có hệ chỉ tiêu cụ thể, các giải pháp năng động và thông minh để triển khai, đồng thời có cơ chế gắn trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo. Quốc hội cần giám sát chất lượng tăng trưởng, đánh giá người đứng đầu các ngành hằng năm thông qua phiếu tín nhiệm; thay đổi cách làm kế hoạch và thay đổi cơ chế quản lý, giám sát là đòi hỏi bức thiết.

Lãng phí gây hậu quả phải được xử lý hình sự

Mặc dù tán thành với 9 nhóm hạn chế, yếu kém và những ý chí quyết tâm chính trị trong các giải pháp mà Báo cáo Chính phủ đưa ra nhằm phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn ĐBQH TP HCM) vẫn băn khoăn khi cho rằng, hệ thống chính trị cần phải đấu tranh quyết liệt với mặt trái, mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Trong kinh tế thị trường không phải mạnh ai người đó làm, phải có sự cạnh tranh lành mạnh, không được gian dối chộp giật, phải thu nộp đủ thuế cho ngân sách, chống ô nhiễm môi trường.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị, các thành phần kinh tế được tự do làm giàu nhưng phải biết chia sẻ lợi ích. Nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải điều tiết lợi nhuận, chống tích tụ tài sản tiền bạc vào một nhóm người. Đồng thời, Nhà nước phải điều hòa các nhóm lợi ích, để bảo vệ quyền lợi của người dân và đầu tư phát triển trong kinh tế thị trường.

Để chống thất thu Ngân sách Nhà nước, chống lãng phí, giảm nợ công, Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt Bộ Tài chính áp dụng mọi biện pháp để từ nay đến cuối năm và năm 2016 trở đi thu thuế cho bằng được 34.000 tỷ đồng mà các doanh nghiệp có khả năng nộp nhưng chây ỳ chưa nộp.

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương đưa ra nhiều kiến nghị nhằm chống thất thu Ngân sách Nhà nước, chống lãng phí, giảm nợ công.

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đề nghị Quốc hội cho sửa Luật thanh tra, giao cho ngành thanh tra có quyền trực tiếp thu hồi số tài sản, tiền bạc Nhà nước mà ngành thanh tra phát hiện sai phạm, không phải kiến nghị lòng vòng. Luật pháp phải giao cho cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp đặc biệt để phát hiện, thu giữ tài sản tham nhũng.

Năm 2015 ngành thanh tra phát hiện kiến nghị thu hồi trên 52 tỷ đồng và 1.800 ha đất, số đó mà thu hồi ngay được thì chúng ta đỡ phải đi vay tiền để đầu tư phát triển. Thu giữ tài sản tham nhũng chỉ cần lấy kinh nghiệm từ vụ Giang Kim Đạt tại Vinashine để xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế trong việc săn tìm, thu hồi tiền bạc do tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài”, Đại biểu Đỗ Văn Đương chỉ rõ.

Cũng theo Đại biểu Đỗ Văn Đương, những người trúng cử ở các vị trí đứng đầu các bộ, ngành địa phương trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 phải hứa và trong chương trình hành động của mình phải có nội dung chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là từ bản thân để làm gương người khác.

Để quản lý và khai thác nguồn tài nguyên hiệu quả, Đại biểu Đỗ Văn Đương kiến nghị từ năm 2016 trở đi, tất cả các mỏ vàng, bạc, cát sỏi… đều phải được triển khai đấu thầu để thu tiền về ngân sách. Phải điều tra, truy tận cùng, xử lý nghiêm cán bộ, chính quyền nào cấp giấy phép khai thác tài nguyên trái pháp luật. Bộ Luật hình sự tới đây nên quy định tội lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng để đáp ứng lòng mong đợi của cử tri./.

 Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN


    Ý kiến bạn đọc