Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các hiệp hội ngành nghề, tập đoàn, doanh nghiệp chủ chốt. Hội nghị được truyền trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu; nêu rõ, thời điểm này tròn 1 năm kể từ khi chúng ta triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về thúc đẩy NGKT, gần 3 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước ngoại giao từ đầu năm.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang thúc đẩy ba động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; ngoài ra, chúng ta đang thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Bên cạnh làm mới các động lực tăng trưởng cũ, cần phải bổ sung động lực tăng trưởng mới. Điều này liên quan trực tiếp các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, người dân.
Quang cảnh hội nghị. |
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã rút ra các bài học phát triển trong gần 40 năm Đổi mới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa tiềm lực của đất nước để phát triển; khẳng định nội lực của Việt Nam có 3 yếu tố quan trọng nhất là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Chúng ta phải tiếp tục phát huy kết hợp nội lực với ngoại lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải phát triển nhanh nhưng phải bền vững; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển hài hoà giữa chính trị, văn hóa, kinh tế, an ninh quốc phòng, phòng, chống tham nhũng; hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; hài hòa lợi ích với các đối tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Do đó, nhiệm vụ đặt ra là chúng ta phải đẩy mạnh công tác NGKT như thế nào? Hội nghị này cải tiến hơn hội nghị năm ngoái về thành phần, các tổ chức hội nghị là ngoài các thành phần như mọi khi, chúng ta có mời có cả doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài vì chủ trương của Đảng là người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ và kết nối đến 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. |
Thủ tướng nhấn mạnh “3 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển. Điều này luôn luôn đúng khi triển khai với các doanh nghiệp, đối tác, người dân.
Thủ tướng cho biết ngoài Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương cũng giao ban hàng tháng với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tìm ra thị trường, thúc đẩy sự phát triển dựa vào khoa học công nghệ , đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; khắc phục sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất do các yếu tố địa chính trị, khủng hoảng, xung đột trên thế giới gây ra.
Muốn vậy phải có sự tham gia, vào cuộc của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước là các bộ, ngành như Ngoại giao, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Chúng ta phải tiếp tục rà soát lại, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực để củng cố các thị trường đã có, mở rộng các thị trường mới, khắc phục những cái thiếu hụt, những cái các nước đang cần; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu bằng cách nâng cao, củng cố thương hiệu, chất lượng sản phẩm, phát triển xanh, phát triển số; phối hợp chặt chẽ giữa trong nước với ngoài nước, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành với nhau, phối hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp, người dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Tình hình thế giới thay đổi khó lường, do đó phải giữ cân bằng để không quá say sưa với thắng lợi nhưng những lúc khó khăn thì phải bình tĩnh, kiên trì, kiên định để triển khai các đường lối của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng nhấn mạnh tình hình thế giới thay đổi khó lường, do đó phải giữ cân bằng để không quá say sưa với thắng lợi nhưng những lúc khó khăn thì phải bình tĩnh, kiên trì, kiên định để triển khai các đường lối của Đảng đã đề ra, vận dụng sáng tạo trong tình hình thực tiễn; thí dụ giá lúa gạo đang cao ở thế giới, thì Việt Nam bên cạnh chia sẻ với khó khăn của thế giới, không lợi dụng khó khăn, không phát triển nóng nhưng phải củng cố thương hiệu, chất lượng, giữ giá ở mức hợp lý. Các bộ, ngành, doanh nghiệp phải bám sát tình hình, chủ động trong phát triển thương hiệu, xuất khẩu bền vững, thích ứng tình hình, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực của đất nước trong công tác xuất nhập khẩu.
Tại hội nghị, cho biết về các kết quả triển khai công tác NGKT từ năm 2023 đến nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, từng bước trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm, đóng góp tích cực vào các kết quả phát triển kinh tế-xã hội đất nước, với 3 kết quả nổi bật sau:
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu. |
Một là , việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện NGKT được triển khai kịp thời, bài bản hơn. Chính phủ lần đầu tiên ban hành Chương trình hành động về NGKT để thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư; các bộ, ngành, địa phương tích cực ban hành kế hoạch hành động để cụ thể hóa Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ.
Công tác phối hợp triển khai NGKT được tăng cường, đổi mới; tích cực tham mưu, thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành, như Ban Chỉ đạo quốc gia về bán dẫn, Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023-2026 giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch hợp tác thu hút du lịch kiều bào giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch….
Hai là , NGKT tiếp tục đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước. Nội dung kinh tế tiếp tục là trọng tâm trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay với nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế được ký kết.
Ba là , NGKT đóng góp trực tiếp vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế. NGKT đã tích cực hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự hội nghị. |
Tích cực tham mưu, thúc đẩy đầu tư và thu hút nguồn lực để phát triển các ngành có thể tạo đột phá như công nghệ cao bán dẫn và đào tạo nguồn nhân lực, AI, kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng.
Tham gia và đóng góp tích cực, trách nhiệm tại các khuôn khổ hợp tác đa phương, bảo đảm ứng xử cân bằng trước các sáng kiến liên kết kinh tế của các nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Công tác vận động, phát huy di sản UNESCO và huy động nguồn lực của cộng đồng trí thức, doanh nhân kiều bào được đẩy mạnh.
Bộ Ngoại giao khẳng định, cùng với việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 15, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 15, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ là động lực quan trọng giúp công tác NGKT trong thời gian qua có sự chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ từ tư duy đến hành động, được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được các kết quả nổi bật, thực chất…
Tại hội nghị, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã trình bày nhiều tham luận về công tác NGKT thời gian qua, những khó khăn, thách thức, vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả hơn nữa công tác NGKT thời gian tới.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng trình bày tâm tư, nguyện vọng để tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài, qua đó nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các đại biểu dự cuộc họp, mong các đại biểu, trong đó có các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục làm hết sức mình vì sự phát triển của đất nước. Thủ tướng đề nghị các chủ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, các hoạt động trên tinh thần “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát “3 phát huy”: phát huy thế và lực của đất nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá kết hợp với phát triển du lịch, ngoại giao nhân dân; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong tình hình hiện nay.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, công tác ngoại giao kinh tế còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức: ở khu vực và thế giới, kinh tế thế giới phục hồi chậm; căng thẳng địa chính trị gia tăng, xu hướng chính trị hóa hợp tác kinh tế tiếp tục lan rộng; tình trạng phân hóa, phân mảnh, đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng… Trong nước, sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là về thị trường, tiếp cận vốn, chi phí; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; một số cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi; hạ tầng chiến lược trên một số lĩnh vực còn hạn chế.
Thủ tướng cho rằng chúng ta phải luôn giữ thăng bằng, “thắng không kiêu, bại không nản”, giữ vững bản lĩnh, bĩnh tĩnh, kiên trì, không quá say sưa với thắng lợi và khi thuận lợi, không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức, tuân thủ và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp tình hình.
Cho rằng công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các đối tác, Thủ tướng lấy ví dụ, hiện nay giá một số mặt hàng nông sản như gạo đang tốt thì chúng ta vừa phải tranh thủ cơ hội phát triển bền vững; vừa phải lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các đối tác, không lợi dụng khi các đối tác khó khăn; vừa tránh phát triển nóng, chú trọng xây dựng, giữ gìn thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, với giá cả hợp lý, không “ăn xổi ở thì”.
Thủ tướng chỉ rõ các định hướng lớn với ngoại giao kinh tế thời gian tới: tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại. Trong đó, cần xác định rõ các sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, khả thi với từng đối tác để thúc đẩy triển khai; cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI…); khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết.
Cần nghiêm túc rà soát, theo dõi và thúc đẩy quá trình triển khai các cam kết với các đối tác quốc tế. Đẩy mạnh huy động nguồn lực hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước; phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới.
Về các biện pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam. Đôn đốc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã ký kết. Trong quá trình xây dựng báo cáo định kỳ về tình hình triển khai Chỉ thị 15, Nghị quyết 21 về công tác ngoại giao kinh tế, các bộ, ngành, địa phương phải lượng hóa, báo cáo rõ về những kết quả cụ thể đã đạt được, nếu có khó khăn thì phải xác định rõ kiến nghị giải quyết, cấp có thẩm quyền giải quyết.
Củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác như UAE, Trung Đông, châu Phi, thị trường Halal… Tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, năng lượng...; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn công tác của các tổ chức doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp.
Tổ chức thiết thực, hiệu quả Diễn đàn Trí thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài cùng với Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài sắp tới để các chuyên gia, trí thức Việt kiều chia sẻ, đóng góp cho những vấn đề về phát triển của đất nước; nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế - xã hội; tập trung vào các xu thế mới, xu hướng điều chỉnh chính sách, ưu tiên mới của các đối tác, “những thứ họ cần chứ không phải thứ mình có”.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế năm 2024 phải đột phá, cụ thể: đổi mới trong tư duy; sáng tạo trong sách lược; thống nhất trong hành động; cơ hội phải nắm bắt, giải pháp phải đột phá; triển khai phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.
Nguồn: TIN: THANH GIANG; ẢNH: TRẦN HẢI/nhandan.vn
(https://nhandan.vn/day-manh-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-phat-trien-dat-nuoc-nam-2024-post802813.html)