Để Chương trình khuyến công quốc gia phát huy hiệu quả
EmailPrintAa
15:13 18/06/2019

Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) qua 5 năm triển khai (giai đoạn 2014-2018) đã góp sức đáng kể vào phát triển công nghiệp nông thôn của cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực triển khai vẫn luôn là điểm nghẽn của Chương trình KCQG.

Góp phần thay đổi diện mạo công nghiệp nông thôn

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp ở nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 1288/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chương trình KCQG đến năm 2020. Qua 5 năm triển khai các hoạt động khuyến công, đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp... đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hóa-xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn. Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá, dưới sự góp sức của công tác khuyến công, 10 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 12,7%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp.

Mô hình chăn nuôi bò 3B (giống bò siêu thịt hàng đầu thế giới) được bà con nông dân huyện Ba Vì, TP Hà Nội tích cực hưởng ứng.

Nêu rõ về kết quả nổi bật của chương trình, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Ngô Quang Trung cho rằng, kết quả lớn nhất từ Chương trình KCQG là đã thu hút được các nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ đầu tư sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công. Kinh phí từ ngân sách dành cho chương trình 5 năm vừa qua là 481.407 tỷ đồng nhưng nguồn kinh phí này thu hút tới gần 2.300 tỷ đồng vốn đối ứng từ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả của chương trình, trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách Nhà nước thu hút 4,78 đồng vốn đầu tư của cơ sở công nghiệp nông thôn. Thông qua chương trình, đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn, hầu hết lao động đều có việc làm ổn định sau đào tạo (tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt hơn 90%). Chương trình hỗ trợ cho 630 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực…

Lồng ghép với nhiều dự án để thu hút vốn đầu tư

Thừa nhận khó khăn về nguồn kinh phí cho Chương trình KCQG, ông Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong 5 năm triển khai, tính trung bình mỗi năm tổng kinh phí của chương trình là 130 tỷ đồng, nhưng chia cho 63 tỉnh, thành phố cả nước nên nguồn lực hạn chế và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của KCQG. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của chính quyền địa phương, nhất là việc huy động các nguồn vốn đối ứng, những nguồn vốn từ địa phương. Nhiều địa phương linh hoạt sáng tạo trong thực hiện thu hút thêm vốn từ các nguồn khác nhưng vẫn có những địa phương vốn không phát huy hiệu quả, chương trình không được coi trọng. Do đó, thời gian tới, để giải quyết điểm nghẽn về kinh phí, Bộ Công Thương đề xuất đổi mới các nội dung hoạt động của Chương trình KCQG. Theo đó sẽ chú trọng lồng ghép các hoạt động khuyến công với các dự án, chương trình mục tiêu khác của Chính phủ để khuyến khích, thu hút nguồn vốn. Đặc biệt, sẽ có ưu đãi hỗ trợ cho các dự án để phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của làng nghề tại địa phương...".

Đề xuất các giải pháp thúc đẩy hiệu quả của chương trình KCQG, theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần: Thời gian tới, Chương trình KCQG cần tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị. Gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, ý kiến từ nhiều địa phương cho rằng, cần tháo gỡ những bất cập về nhân lực và chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất tại địa phương. Hiện, hệ thống cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã tại nhiều địa phương chưa hình thành; kinh phí khuyến công mà cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn, sản xuất sản phẩm mới... đều phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc