Để có nhiều doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh
EmailPrintAa
06:33 28/05/2019

Trong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ do Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, có nhấn mạnh giải pháp để phát triển kinh tế đất nước là “thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế”.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sức mạnh của các tập đoàn kinh tế tư nhân (KTTN) có thể trở thành sức mạnh quốc gia, đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước nếu họ được định hướng phát triển đúng.

Dần trở thành sức mạnh quốc gia

Các quốc gia phát triển đều có những tập đoàn KTTN lớn, trở thành xương sống của nền kinh tế. Ví dụ, Mỹ có các tập đoàn: Facebook, Google, Microsotf, Amazon, Apple...; Hàn Quốc có: Samsung, Hyundai; Nhật Bản có: Toyota, Sony... Đó là các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) nhưng lại mang trong mình tinh thần và khát vọng quốc gia. Cùng với việc mang lại lợi nhuận cho ông chủ tư nhân, thì các DNTN tạo ra rất nhiều việc làm, tạo ra các công nghệ mới, đóng góp nguồn tài chính cho quốc gia thông qua thuế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Do đó, ở những nền kinh tế phát triển thì việc tạo môi trường thuận lợi cho các DNTN phát triển là điều mà chính phủ luôn hướng tới. Bởi các doanh nghiệp phát triển thì đất nước cũng phát triển.

Tại Việt Nam hiện nay, nhiều DNTN lớn cũng đang trên đà phát triển nhanh thành những tập đoàn kinh tế lớn, như: Vingroup, Trường Hải, Hòa Phát, Vietjet, Geleximco... Các DNTN lớn của Việt Nam cũng không thiếu khát vọng. "Chúng tôi khát khao xây dựng một thương hiệu xe Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới", ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup trả lời như vậy khi được hỏi tại sao Vingroup lại đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô, một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Vingroup. Và không chỉ có vậy, Vingroup cũng đang đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, sản xuất điện thoại thông minh, thực phẩm sạch, hướng tới hình thành một hệ sinh thái các dịch vụ văn minh, an toàn. Hay sự xuất hiện của Vietjet đã làm thị trường hàng không Việt Nam thay đổi lớn, giá dịch vụ được giảm nhiều và hàng không dần trở thành một dịch vụ bình dân...

Như thế có thể thấy, các DNTN tại Việt Nam đang đóng góp ngày càng tích cực, quan trọng trong sự vươn lên của đất nước. Quan điểm, cách nhìn nhận này đã được khẳng định, thông qua Nghị quyết số 10-NQ/TW của Đảng "Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long của Tập đoàn Geleximco, công suất 600MW, là nhà máy nhiệt điện duy nhất hiện nay do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng. Ảnh: TRẦN TOÀN

Hỗ trợ phù hợp để “cùng thắng”

Trước đây, trên nhiều diễn đàn, không ít doanh nghiệp hay đề nghị Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, trong đó nổi bật là hỗ trợ về đất đai và vốn vay để doanh nghiệp phát triển. Nhưng thực tế chỉ ra, những doanh nghiệp luôn kêu “khổ” và “khó”, luôn yêu cầu được hà hơi, tiếp sức bằng vốn, bằng đất đai thì thường là những doanh nghiệp thiếu sức bật, mức độ cạnh tranh không cao và rất khó để tồn tại bền vững. Thế còn, đối với các doanh nghiệp mạnh thì việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mới là điều họ cần. Với họ, những kêu gọi đầu tư về tài chính không phải là những khoản đầu tư ban đầu, hay là khoản đầu tư để doanh nghiệp có thể tồn tại, mà là những khoản đầu tư khi doanh nghiệp đã kinh doanh hiệu quả, đang là “người chiến thắng” và nếu được tiếp tục đầu tư sẽ tạo ra sự “cùng thắng” lớn hơn giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, nhất là ở những mảng, lĩnh vực mà đất nước đang cần. Ví như hiện nay, Việt Nam đang muốn tăng tốc phát triển trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển KTTN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT thì để phát triển các công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0, như trí tuệ nhân tạo (AI) rất cần các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ cơ sở dữ liệu, bởi hiện nay vẫn còn tình trạng cát cứ dữ liệu. “Nếu không có cơ sở dữ liệu sẽ không có AI, người tài sẽ không về nước làm việc, không có hạ tầng dữ liệu cho ý tưởng, sáng tạo”, ông Trương Gia Bình nói. Như thế, trong trường hợp này, vấn đề chia sẻ dữ liệu còn quan trọng hơn cả vốn và đất đai.

Hay như hiện nay, đất nước đang cần cơ sở hạ tầng để phát triển, trong khi Nhà nước không đủ nguồn lực để đầu tư. Cho nên, việc có cơ chế, chính sách để kêu gọi được vốn đầu tư xã hội cho các công trình lớn là rất quan trọng, trong khi có rất nhiều DNTN sẵn sàng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng lớn của quốc gia. “Điều cần thiết là những cơ chính sách minh bạch, sòng phẳng, ổn định, nhất quán của Nhà nước, để từ đó, nhà đầu tư vững tin”, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco nói. Hiện nay, Geleximco đã và đang đầu tư xây dựng rất nhiều công trình hạ tầng lớn, như: Nhà máy nhiệt điện Thăng Long (công suất 600MW), dự án Trung tâm logistic Cái Mép Hạ và Cảng Cái Mép (tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 30.000 tỷ đồng)..

Việc Nhà nước có cơ chế, chính sách để hỗ trợ sự phát triển của KTTN là rất cần thiết. Nhà nước hỗ trợ cho KTTN phát triển thành các tập đoàn KTTN, để rồi các tập đoàn này trở thành nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, vì lợi ích của người dân. Đó là mối quan hệ tương hỗ mà trong đó, cả cơ quan quản lý Nhà nước và DNTN cần xác định đúng vị trí, vai trò, để từ đó hành động đúng.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc