Điều hành linh hoạt để giải tỏa áp lực lạm phát
EmailPrintAa
11:04 15/05/2019

Mặc dù 4 tháng đầu năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng thấp nhất trong cùng kỳ 3 năm trở lại đây, nhưng từ đầu tháng 4 tới nay, xăng dầu liên tiếp trải qua 3 lần điều chỉnh tăng giá mạnh. Trước đó, cuối tháng 3, giá bán lẻ điện bình quân cũng được điều chỉnh tăng 8,36%. Dự báo, các yếu tố này sẽ tác động không nhỏ tới CPI trong thời gian tới cũng như tạo thêm thách thức cho mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019.

Sức ép lạm phát từ "ẩn số" xăng dầu

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4-2019 tăng 0,31% so với tháng trước; CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 4-2019 so với tháng trước, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất chủ yếu do ảnh hưởng từ hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào thời điểm ngày 2-4 và 17-4 (tác động làm CPI chung tăng 0,41%). Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%...

Các chuyên gia kinh tế dự báo thời gian tới, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng dẫn đến tiêu thụ điện cao, cùng hiệu ứng kéo dài của giá xăng dầu tăng, CPI sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Đơn cử, ngay trong kỳ điều hành vào ngày 2-5, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng. Cụ thể, từ 16 giờ ngày 2-5, xăng E5 RON 92 tăng thêm 985 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 956 đồng/lít. Sau tăng giá, xăng RON 95 lên tối đa 22.191 đồng/lít; xăng E5 RON 92 lên tối đa 20.688 đồng/lít. Như vậy, tính từ ngày 2-4 đến 2-5, giá xăng đã trải qua 3 lần tăng với tổng mức tăng của xăng RON 95 là 3.642 đồng/lít và xăng E5 Ron 92 là 3.564 đồng/lít.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, việc các mặt hàng thiết yếu cùng tăng giá sẽ gây áp lực lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đáng chú ý, thời gian tới, sự bất định về giá xăng dầu thế giới và một số diễn biến bất lợi trong nước (bệnh dịch tả lợn châu Phi...), cộng với các yếu tố như điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá (điện, dịch vụ y tế) và lương cơ sở được điều chỉnh tăng sẽ gây sức ép lớn lên lạm phát. PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đưa ra dự báo, việc kiểm soát lạm phát trong năm 2019 với mục tiêu 4% sẽ gặp không ít thách thức khi giá xăng dầu trên thế giới luôn là một ẩn số. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh: “Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua đến CPI có thể kéo dài từ 2 đến 6 tháng tới. Chính vì vậy, áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong quý II-2019. Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần theo dõi rủi ro lạm phát để có những biện pháp ứng phó phù hợp, không chủ quan với chính sách tiền tệ”.

Điều hành linh hoạt giá xăng dầu có tác động lớn tới việc kiểm soát CPI.

Thận trọng trong điều hành giá xăng dầu và điện

Việc điều hành giá xăng dầu sẽ có tác động lớn tới CPI, do đó, xung quanh câu chuyện điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, hiện nay mặt hàng xăng dầu được điều hành theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước, có nghĩa là không phải dùng ngân sách để can thiệp vào giá xăng dầu. Tuy nhiên, trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã đưa ra Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ trích ra 300 đồng đưa vào quỹ. Quỹ này được dùng để chi sử dụng khi giá xăng dầu thế giới tăng cao. “Vừa rồi giá xăng dầu vẫn điều chỉnh tăng nhưng nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì giá sẽ còn tăng nhiều hơn. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là biện pháp kinh tế hữu hiệu, nên trong thời điểm này vẫn cần tiếp tục sử dụng. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu giúp ích cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Cũng liên quan tới việc điều hành giá xăng dầu, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trước những diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới, việc liên tục xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức cao sẽ tạo áp lực cho kỳ điều hành sắp tới. "Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã than Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bị âm, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Để tạm ứng xả quỹ, doanh nghiệp sử dụng tiền có sẵn hoặc phải đi vay, trong khi việc thu hồi không thể sớm. Nếu doanh nghiệp âm quỹ sẽ dễ xảy ra tình trạng găm hàng. Bởi vậy, khi doanh nghiệp ứng tiền để bù đắp quỹ thì Nhà nước cần có chính sách để bảo đảm hài hòa lợi ích cả ba bên là nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đây là một bài học trong điều hành giá”, ông Ngô Trí Long phân tích.

Liên quan tới việc điều hành giá điện, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá vừa yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện từ ngày 20-3. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tiếp tục tổ chức triển khai tốt công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin về công tác điều hành giá, nhất là các mặt hàng có tính chất nhạy cảm đến người dân; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc