Doanh nghiệp nữ Hà Tĩnh trên đà phát triển
EmailPrintAa
07:20 10/03/2016

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 5.083 doanh nghiệp, trong đó có 708 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 14%. Lợi thế của nữ doanh nhân chính là sự cần mẫn, cẩn thận, mềm dẻo nhưng cũng không thiếu phần quyết đoán nên doanh nghiệp hoạt động thường mang tính bền vững. Nhiều người phụ nữ đã mạnh dạn, tự tin, thể hiện sự bứt phát trong phát triển kinh tế và doanh nghiệp nữ đã có những bước trưởng thành đáng kể.

 

                            Gặp mặt doanh nhân nữ (ảnh: Anh Hoài) 

Trong những năm gần đây, với sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền, nhiều phụ nữ đã năng động, sáng tạo trong việc tiếp cận các chính sách và nắm bắt cơ hội xây dựng các mô hình hợp tác xã, thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết, đặc biệt là chủ động lựa chọn ngành nghề, qui mô đầu tư, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ đứng chủ đã chú trọng đầu tư sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Đồng chí Chị Võ Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khẳng định: “Doanh nghiệp nữ đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của tỉnh nhà, nhất là trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và tăng thu ngân sách của tỉnh. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã có được thương hiệu của mình. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ về kiến thức, về vốn để doanh nghiệp nữ có điều kiện phát triển nhiều hơn nữa, đặc biệt sẽ hỗ trợ để phát triển tổ hợp tác thành hợp tác xã theo chuỗi liên kết, tổ chức tập huấn chuyên sâu về khởi sự doanh nghiệp, về quản lí doanh nghiệp để những doanh nhân nữ điều hành doanh nghiệp tốt hơn”.

Trước đây, cũng như bao người phụ nữ nông thôn khác, chị Trần Thị Việt Hà (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên) quanh năm lam lũ với ruộng đồng nhưng thu nhập không cao. Tuy nhiên, khi tỉnh nhà đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là khi triển khai các dự án về sản xuất rau - củ - quả trên cát, thấy vùng đất quê mình có tiềm năng nên chị mạnh dạn đứng ra huy động vốn của các thành viên, thành lập Hợp tác xã Thương mại dịch vụ tổng hợp và chăn nuôi Hà Trung do chị làm Giám đốc. Những ngày đầu khó khăn chồng chất khó khăn nhưng được sự động viên, quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trong việc bàn giao mặt bằng, thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ nên Hợp tác xã đã đứng vững và từng bước phát triển. Hiện nay, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ tổng hợp và chăn nuôi Hà Trung đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 22 lao động. Trừ chi phí sản xuất, năm qua Hợp tác xã thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Không dừng lại đó, hiện nay chị đang xúc tiến mở rộng qui mô sản xuất và đa dạng hóa các loại cây trồng. Chị cho biết: “Từ ngày bước vào con đường làm kinh tế, tôi đã nhận ra rằng phụ nữ có rất nhiều ưu thế để phát huy trong môi trường sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trên đà phát triển này, thời gian tới, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, trước tiên là cho chính bản thân mình và sau đó sẽ làm giàu thêm vùng đất quê tôi”.

Các doanh nghiệp nữ đã mang lại những kết quả rõ nét, có tác động sâu rộng trong cộng đồng. Để có được kết quả đó là cả một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, vận động thay đổi tư duy, cách làm của phụ nữ trong xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương. Tuy vậy, việc thành lập doanh nghiệp nữ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra của tỉnh. Hiện nay, tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ mới chiếm khoảng 15%, trong khi đó mục tiêu đề ra là 25%. Mặt khác, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp nữ chính là qui mô nhỏ lẻ và manh mún, việc sử dụng nguồn lao động ở những doanh nghiệp này trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, sản phẩm làm ra chưa thật sự tạo được chỗ đứng trên thị trường. Chị Nguyễn Ánh Ngà, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân nữ Hà Tĩnh đề nghị: “Dù đã ban hành nhiều chính sách cho doanh nghiệp nói chung nhưng với doanh nhân nữ thì vẫn chưa có một chính sách đặc thù nào. Vì vậy, chúng tôi rất mong tỉnh sẽ có những chính sách cụ thể cho doanh nghiệp nữ, nhất là chương trình đào tạo để nâng cao năng lực và trình độ quản trị cho doanh nhân nữ; đồng thời, phổ biến những kiến thức, thông tin giúp doanh nhân nữ tiếp cận chính sách và chiến lược phát triển. Doanh nghiệp nữ cũng rất cần sự hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, mở rộng qui mô, hỗ trợ về vốn, lãi suất, hỗ trợ công nghệ và sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu”.

Mặc dù còn có khó khăn nhưng rõ ràng việc phát triển được những doanh nghiệp nữ như hiện nay là thành công bước đầu của tỉnh ta. Mong rằng thời gian tới tỉnh tiếp tục có các chính sách phù hợp để tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nữ phát triển.

Nguyễn Tâm (Đài PT&TH Hà Tĩnh)


    Ý kiến bạn đọc