Doanh nghiệp tìm cơ hội trong ứng phó với biến đổi khí hậu
EmailPrintAa
21:23 25/10/2023

Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh. Tuy nhiên, bối cảnh mới đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương, đặc biệt là cam kết của Việt Nam với quốc tế về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (Hội nghị COP26).

Tại tọa đàm “Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25-10, các ý kiến đã làm rõ những giải pháp và kế hoạch của ngành Công Thương để ứng phó với biến đổi khí hậu? Cần có những giải pháp nào để nâng cao nhận thức, khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu?

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới nếu không có các biện pháp ứng phó và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm kể từ sau năm 2050. Trước nguy cơ này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, các chương trình hành động quốc gia, cấp ngành, địa phương cũng từng bước được xây dựng và triển khai thực hiện. Đặc biệt, sau cam kết của Việt Nam tại COP26 các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Văn Tâm, Phó chánh văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Bộ Công Thương, ngày 14-12-2022, Bộ Công Thương phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Kế hoạch hành động đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, kiểm soát phát thải khí nhà kính nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26: Đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.

Trao đổi tại tọa đàm các ý kiến nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu. Để thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, doanh nghiệp cần dựa vào nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số…

Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và các doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới, có cơ hội tham gia thị trường carbon, giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.

Đồng thời, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, huy động nguồn vốn, công nghệ từ các quỹ đầu tư, các định chế tài chính để phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, khí hậu theo xu hướng thị trường.

Nguồn: Tin, ảnh: VŨ DUNG/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/doanh-nghiep-tim-co-hoi-trong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-748609 )


    Ý kiến bạn đọc