Động lực phát triển kinh tế năm 2016
EmailPrintAa
16:07 05/10/2016

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất lợi, Việt Nam về tổng thể, tháng 9 và chín tháng qua, vẫn duy trì được ổn định vĩ mô và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và quý III tăng 6,40%) và tính chung ba quý đầu năm 2006 ước tăng 5,93%; trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 7,50%, dịch vụ tăng 6,66%; nông nghiệp tăng 0,65% (so mức giảm 0,18% hai quý đầu năm).
 
Ảnh minh họa  

Các dòng vốn nước ngoài tiếp tục tăng mạnh, cơ cấu phù hợp với mục tiêu thu hút. Chỉ số chứng khoán tăng cao nhất trong vòng chín năm qua. Xuất siêu tăng khá mạnh. Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay lại hoạt động tăng khá. Lạm phát được kiểm soát dưới mức kế hoạch. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định. Thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Nông nghiệp từng bước phục hồi. Môi trường đầu tư, kinh doanh được tiếp tục cải thiện. Niềm tin thị trường, xã hội của người dân và DN được duy trì… Triển vọng đạt 11/13 chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, riêng GDP có thể chỉ đạt mức tăng trưởng cả năm từ 6,3 - 6,5% (so mức 6,7% theo kế hoạch).

Động lực tăng trưởng được hội tụ tích cực từ tổ hợp các giải pháp của Chính phủ và nỗ lực tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới của doanh nghiệp, nhất là từ sự phát triển ngành chế biến, chế tạo (có quy mô và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp) với tốc độ tăng tới 10,4% và Chỉ số tồn kho toàn ngành chỉ tăng 9% so mức tăng 9,9% cùng kỳ năm 2015.

Sự bứt phá trong xuất khẩu rau quả (thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều…) là rất ấn tượng đặc nhờ áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và công nghệ bảo quản hiện đại hơn, tạo động lực tích cực cho phục hồi nông nghiệp. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu rau quả đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng gần 130% so cùng kỳ năm 2015 và các loại rau quả của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.

Đây là mức tăng trưởng có giá trị lớn nhất trong tất cả các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu trong 8 tháng qua.

Dự kiến cả năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ cán mức 2,5 – 2,6 tỷ USD, có thể lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (gạo xuất khẩu chín tháng đầu năm 2016 ước đạt 3,76 triệu tấn và 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so cùng kỳ năm 2015 do cạnh tranh gay gắt hơn về giá trong bối cảnh cung tăng, cầu giảm).

Động lực tăng trưởng cũng đến từ sự hồi sinh và gia tăng mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp chín tháng qua. Dù số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 20,2% so cùng kỳ năm trước, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm 5,3% và cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng 25,4%.

Đồng thời, 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước (chín tháng năm 2015, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2014). Căn cứ vào đơn hàng đã ký, trên 80% DN được TCTK khảo sát cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý III khá ổn định và tốt hơn quý trước, quý IV sẽ ổn định và tốt lên. Thực tế này cho thấy, các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả tích cực.

Động lực tăng trưởng còn được cộng hưởng từ sự thúc đẩy quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Chín tháng qua, đã thêm 48 DNNN (với tổng giá trị thực tế là 31.905 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 23.280 tỷ đồng) đã được phê duyệt phương án CPH (có sáu tổng công ty); thoái vốn được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng. Riêng SCIC đã bán 1.277 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 3.374 tỷ đồng. Tổng cộng, đến nay cả nước đã thoái vốn thu về hơn 21 nghìn tỷ, đạt gần 1,4 lần giá trị đầu tư.

Điểm mới và cũng là động lực mới quan trọng là chủ trương sớm thoái vốn để cắt lỗ những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ; đồng thời, khẩn trương ưu tiên CPH và thoái vốn ở các DNNN kinh doanh có hiệu quả; tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược, mua cổ phần với giá cao nhất và có khả năng phát huy được lợi thế, giá trị thương hiệu của DNNN.

Thực tế cho thấy, số lượng DNNN trong diện CPH đến nay không còn nhiều, tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Vấn đề quan trọng hiện tại là thực hiện CPH cần thận trọng, tránh làm bằng mọi giá, tránh thất thoát tài sản công thông qua định giá sai và bị méo mó do lợi ích nhóm; nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp sau CPH.

Nguồn thu từ thoái vốn của DNNN cần được sử dụng tái đầu tư cho các DNNN còn lại và đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội (phát triển y tế, xây dựng nông thôn, chống biến đổi khí hậu,..).

Trong các tháng cuối năm 2016 và giai đoạn đến năm 2020, quá trình tái cơ cấu DNNN cần được mở rộng bao gồm cả các công ty nông, lâm nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh tiến độ, thu gọn số lượng DNNN trong kinh tế, nhưng tiếp tục củng cố các DNNN quan trọng, gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 – 2020, có 184 DNNN do Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn và 194 DNNN còn lại thuộc diện cổ phần hóa.

Mục tiêu đến năm 2020, giảm 50% số lượng DNNN tại thời điểm năm 2015; bảo đảm sự linh hoạt trong cổ phần hóa, thoái vốn, giảm tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp quốc phòng - an ninh; cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư; nâng cao năng lực quản trị, công khai, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh của DNNN thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu hội nhập; bảo đảm tính đúng, tính đủ, tính chính xác, chống thất thoát tài sản công, tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư trong quá trình CPH DNNN

Khu vực FDI vẫn duy trì động lực tăng trưởng tích cực, với kết quả chín tháng qua, cả nước thu hút được 1.820 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11.164,6 triệu USD, tăng 27,1% về số dự án và tăng 1,1% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 851 lượt dự án tăng vốn đạt 5.265,5 triệu USD. FDI thực hiện ước đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2015.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 70,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; kinh doanh bất động sản chiếm 8,8%. Hải Phòng đứng đầu các tỉnh, chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 1.082,5 triệu USD, chiếm 9,7%. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất 57 quốc gia, vùng lãnh thổ có FDI mới, với 4.561 triệu USD, chiếm 40,9% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt, với Thủ đô Hà Nội xếp thứ 13 và TP Hồ Chí Minh xếp thứ 18 trong tốp 20 điểm đến tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với ít nhất một triệu du khách ở qua đêm theo Chỉ số xếp hạng các điểm đến toàn cầu năm 2016 của Mastercard. Tổng cộng chín tháng, ước tính đạt 7.265,4 nghìn lượt người, tăng 25,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 6.109 nghìn lượt người, tăng 29,7%.

Thị trường tài chính mở rộng hơn, qua chín tháng, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,76% so cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 8,88%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,02% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,9%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46% (cùng kỳ năm trước tăng 10,78%).

Lãi suất huy động tương đối ổn định; lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Cơ cấu tín dụng đang tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện chín tháng năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.006,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,1% GDP, trong đó: Vốn Nhà nước chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước; vốn khu vực FDI chiếm 23,9% và tăng 12,6%.

Ngoài ra, động lực tăng trưởng còn đến từ tiếp tục mở rộng tổng cầu tiêu dùng trong nước, qua chín tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.605,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% (dù thấp hơn mức tăng 10,2% cùng kỳ năm 2015), nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2015 tăng 9,2%).

Năm 2016 là năm đánh dấu bước ngoặt trong ngành khai khoáng (chín tháng năm nay, giảm tới 3,60%) khi Việt Nam chủ động thu hẹp sản xuất và xuất khẩu dầu thô, than nhằm tiết kiệm hai tài nguyên này. Đồng thời, đây cũng là minh chứng đậm nét cho thấy bước chuyển trong động lực tăng trưởng của Việt Nam chuyển từ dựa vào khai tác tài nguyên, sang dựa vào sản xuất trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; nhiều đầu tàu kinh tế giảm tốc, rõ rệt nhất là Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản Giao dịch thương mại toàn cầu năm 2016 đang giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm qua.

Động lực tăng trưởng được gia tăng từ mở rộng xuất khẩu. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng đạt 132,4 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2015; Kim ngạch nhập khẩu chín tháng đạt 135,1 tỷ USD, tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2015. Tổng cộng thặng dư thương mại đạt gần 2,8 tỷ USD.

CPI tháng 9-2016 tăng 3,14% so với tháng 12-2015, bình quân mỗi tháng tăng 0,34% và bình quân chín tháng năm 2016 tăng 2,07% so bình quân cùng kỳ năm 2015, cao hơn so mức tăng 0,74% của bình quân cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 9-2016 tăng 0,07% so tháng trước và tăng 1,85% so cùng kỳ năm trước, bình quân chín tháng năm 2016 tăng 1,81% so bình quân cùng kỳ năm 2015...

Đang và sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực tăng CPI từ giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm, đòi hỏi theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá; trong đó, có việc kiểm soát thu phí trạm BOT và tăng cường giám sát toàn diện và ngay từ đầu, nhằm ngăn chặn các sai sót ở tất cả các khâu của các dự án BOT và bảo đảm từ nay về sau, BOT không được tạo thế độc đạo “cưỡng bức phải đi”, phải để cho người dân có sự lựa chọn.

Động lực tăng trưởng thời gian tới cần được tiếp sức bởi sự chuyển động của cả bộ máy quản lý và hệ thống chính trị, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN bảo đảm công khai, minh bạch.

Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Chủ động nhận diện và cập nhật các rào cản kỹ thuật để xây dựng các biện pháp khắc phục kịp thời; kiểm soát lạm phát, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế; chống thất thu, nợ đọng thuế.

Triệt để tiết kiệm chi NSNN; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; bồi thường, hỗ trợ người dân ở các tỉnh bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống…

Theo TS. Nguyễn Minh Phong/nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc