Đồng tiền về quê
EmailPrintAa
16:03 10/07/2019

“Có tiền sống ở Việt Nam là sướng nhất”- lời đánh giá này đã có từ lâu và vừa được nhắc lại trong những đàm luận nhân sự kiện báo cáo của Tổ chức HSBC xếp Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia sống tốt nhất đối với những người nước ngoài sống và làm việc tại nước ta.

Ảnh minh họa

Đó là một tín hiệu vui và thật đáng mừng khi dư luận chung nhìn nhận rất thực tế, tỉnh táo về bản chất và mục tiêu lớn mà chúng ta phải hướng tới là nâng cao chất lượng sống, môi trường làm việc cho đất nước và người dân. Xét cho cùng, chẳng có ai thực sự sung sướng và hạnh phúc khi những người quanh mình còn khó khăn, thiếu thốn, quê hương, đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu. Và điều này thực tế đã ăn sâu vào suy nghĩ, tình cảm của mọi người Việt Nam ta.

Người ở nông thôn đến làm ở các đô thị, khu công nghiệp, người đi làm, đi học hay định cư ở nước ngoài, tất cả không ai không cố gắng đổ mồ hôi công sức lao động, sống cần kiệm, thậm chí là tằn tiện để gom góp tiền bạc gửi về gia đình, quê hương. Lượng kiều hối chuyển về nước mỗi năm mỗi tăng trở thành nguồn lực đáng kể để xây dựng đất nước. Lượng tiền của những người con xa quê đã là một nguồn lực quan trọng giúp bảo đảm, cải thiện cuộc sống những người ở lại làng quê và thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Vấn đề là làm sao để sử dụng, phát huy hiệu quả những nguồn lực này.

Những gia đình “lên đời” xây nhà, sắm sanh đủ đầy, tiêu xài quá tay không phải là hiếm. Những câu chuyện buồn khi con cái đua đòi, sa ngã, khi người chồng, người vợ ở nhà vừa ăn tiêu phung phí vừa không giữ tình cảm chung thủy cũng đã diễn ra. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề, thực hiện mục tiêu “mỗi xã một sản phẩm”, cùng với các bước tiến tới nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, liên kết chuỗi sản xuất-thương mại và những nhu cầu nâng cấp văn hóa xã hội khiến nông thôn hiện nay cần vốn hơn bao giờ hết. Tiếc thay, nhiều gia đình đã không biết dành dụm đầu tư và nhiều địa phương không có được những chương trình, dự án khả thi, không biết hướng dẫn, tạo điều kiện để những gia đình đó biến đồng tiền mình có thể sinh lời. Vì thế cảnh giàu xổi, khá giả không bền vững vẫn cứ quẩn quanh ở nhiều gia đình nông thôn.

Việc tiêu tiền là việc riêng của mỗi người, mỗi gia đình, không ai, không tổ chức nào được can thiệp. Người nhà quê vốn nghèo túng, ít giao tiếp rộng, đi đây đi đó nên nhiều người không có khả năng kinh doanh là dễ hiểu. Việc họ bỏ tiền vào các quỹ tín dụng đen, cho vay nặng lãi, tham gia kinh doanh đa cấp, mua phải hàng giả và dễ bị lừa đảo bởi nhiều cách thức tinh vi ngọt ngào cũng đã diễn ra phổ biến. Theo sự tiến bộ chung của xã hội, những tổ chức tư vấn tiêu dùng, tư vấn kinh doanh, sức khỏe, học hành, trợ giúp pháp lý… đã ra đời, song cho đến nay, những hoạt động này vẫn chưa thực sự vào được cuộc sống nông thôn. Khoảng trống lớn và khá “trừu tượng” này chỉ có thể dần được thu hẹp nếu các đoàn thể xã hội quan tâm hơn nữa để có những hoạt động thiết thực giúp đỡ bà con.

Khi người ta túng thiếu cần vay mượn thì việc thơm thảo giúp nhau đã thành nếp quen, nhưng khi người ta có tiền thì lại là việc khác. Phải là những kế hoạch, những công việc đầu tư thực chất, khả thi và chắc ăn; lại phải có những tiếng nói của những người đáng tin cậy, phải có những tấm gương dám nghĩ, dám làm thành công, nhìn thấy tận mắt mới có thể thuyết phục.

Chuyện đồng tiền về quê hay chuyện người dân quê có tiền là chuyện mới. Đó là cơ hội để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng là những việc rất mới đòi hỏi các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng nâng cao trách nhiệm và năng lực tổ chức, vận động giúp người dân đưa đồng tiền mình có ra kinh doanh hiệu quả.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc