Dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 6,86%
EmailPrintAa
16:17 11/07/2019

Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm khoa học “Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019 được Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 11-7, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, TS Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) đã nhấn mạnh một số điểm nổi bật của kinh tế 6 tháng đầu năm. Đó là, tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Công nghiệp chế biến, chế tạo có sự phát triển đồng đều, giảm bớt phụ thuộc vào một số nhóm mặt hàng. Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc; tăng tỷ trọng vốn đầu tư thông qua mua bán và sáp nhập. Chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng nhằm hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Lạm phát và tỷ giá được kiểm soát và điều chỉnh ở mức thấp là tiền đề cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng...

TS Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia phát biểu

Tuy vậy, theo TS Đặng Đức Anh, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng. Xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại, nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây lại là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ y tế, giáo dục…Cụ thể, theo đánh giá của NCIF, trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, đặc biệt là căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, thì kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2017. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn kinh tế khi đóng góp 51,8% vào tốc độ tăng trưởng GDP chung, cao hơn mức đóng góp 48,9% cùng kỳ năm 2018). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá 2,39%; khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,69%... Cùng với đó, ổn định vĩ mô được duy trì: Lạm phát trong tầm kiểm soát, với chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng qua chỉ tăng 2,64%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm, ở hầu hết các kỳ hạn; tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với mục tiêu tăng 14% trong năm 2019; cân đối thu chi ngân sách nhà nước được bảo đảm...

Quang cảnh tọa đàm.

Dự báo tình hình thế giới trong 6 tháng tiếp theo, NCIF cho rằng, trong nước, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải cách cải thiện môi trường đầu tư cũng như tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ là yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam.

Từ những phân tích trên, NCIF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (6,6-6,8%). Trong đó, tăng trưởng của các khu vực kinh tế lớn lần lượt là: Nông lâm thủy sản 3,02%; công nghiệp và xây dựng 8,61% và dịch vụ tăng 6,84%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân dự kiến tăng 3,13%...

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc