Đúng luật, đúng cam kết để ngừa kiện tụng
EmailPrintAa
16:40 10/03/2021

Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn khi nước ta tham gia hầu hết các tổ chức, các cam kết kinh tế, thương mại quốc tế; ký kết hoặc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Không chỉ ở cấp Trung ương mà ngay các địa phương cũng đang nỗ lực rất lớn nhằm cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế cho thấy, những địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước là những địa phương “hiểu” doanh nghiệp, thường xuyên lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời chủ động ban hành chính sách theo thẩm quyền một cách hiệu quả để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng. Nhờ sự chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương mà dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam ngày càng lớn, góp phần trực tiếp thúc đẩy kinh tế-xã hội đất nước phát triển.

Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, cùng với việc hội nhập quốc tế nhanh và sâu rộng, việc xảy ra tranh chấp giữa đại diện nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài là điều rất dễ xảy ra. Do vậy, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải rất cẩn trọng khi đưa ra các cam kết, quyết định với các nhà đầu tư, tránh đưa mình vào tình thế “lấm lưng trắng bụng” khi bị nhà đầu tư kiện tụng. Muốn vậy, các bộ, ngành, địa phương phải rất chú ý tới việc sàng lọc dự án, sàng lọc nhà đầu tư. Việc dễ dãi "gật đầu" với các dự án có nguy cơ gây hại cho môi trường, làm đảo lộn cuộc sống người dân... đều có thể dẫn tới những hậu quả pháp lý đáng tiếc. Các bộ, ngành, địa phương trước khi phê duyệt dự án, đưa ra cam kết hay một quyết định cụ thể với các nhà đầu tư cần rà soát kỹ về cơ sở pháp lý trong nước, các cam kết quốc tế, trong đó có các hiệp định thương mại tự do.

Thực tiễn giải quyết các vụ kiện tụng của doanh nghiệp với chính quyền một số địa phương thời gian qua cho thấy, đã đến lúc cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành và địa phương để phòng ngừa kiện tụng. Sự phối hợp ấy phải dựa trên mục tiêu chung là bảo vệ hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường đầu tư quốc tế, không phải dựa trên sự cát cứ lợi ích và quyền năng.

Quy mô thu hút đầu tư càng lớn, rủi ro phải đối mặt với kiện tụng càng nhiều. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương hoàn toàn có thể phòng ngừa được rủi ro thua kiện nếu mọi quyết định, hành vi hành chính đều được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng cam kết và thông lệ quốc tế. Trong trường hợp thua kiện, chúng ta không chỉ bị thiệt hại về kinh tế do phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư, chi phí cho việc theo đuổi quy trình kiện tụng mà còn bị tổn hại về uy tín, thương hiệu quốc gia. Do vậy, cảnh giác và phòng ngừa kiện tụng là giải pháp hữu hiệu nhất, ít tốn kém nhất, cần được các bộ, ngành, địa phương dành sự quan tâm đúng mức.

Nguồn: Chiến Thắng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dung-luat-dung-cam-ket-de-ngua-kien-tung-653683 )


    Ý kiến bạn đọc