Giảm lãi suất tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế
EmailPrintAa
15:18 07/08/2019

Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, vừa qua, một số ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm

Tiếp sau đợt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 1-2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quyết định tiếp tục giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân. Theo đó, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1,0%/năm so với mức quy định của NHNN Việt Nam, áp dụng cho tất cả khoản cho vay hiện hữu và khoản cho vay mới thuộc các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính sách ưu đãi lãi suất này được áp dụng từ ngày 1-8-2019 đến hết năm 2019. Việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm tới gần 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của Vietcombank.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng thông báo đã giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay nội tệ ngắn hạn từ ngày 1-8-2019 đến hết 31-12-2019 cho các nhu cầu vốn có phương án SXKD khả thi, hiệu quả, đáp ứng các điều kiện tín dụng theo đúng quy định và đem lại lợi ích tổng thể cho Vietinbank. Đặc biệt, nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ SXKD của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, những chương trình tín dụng với các mức lãi suất cho vay ưu đãi dành cho đối tượng khách hàng vừa và nhỏ, khách hàng xuất khẩu, SXKD thương mại sẽ tiếp tục được triển khai từ nay tới cuối năm.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng công bố giảm 0,25-0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên so với mặt bằng hiện tại (thấp hơn 0,75-1%/năm so với trần quy định của NHNN Việt Nam) và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực hoạt động SXKD.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm trần lãi suất cho vay 0,5%/năm về mức 5,5%/năm (thấp hơn 1,0%/năm trần quy định của NHNN Việt Nam) đối với đối tượng ưu tiên (kinh doanh hàng xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phục vụ kinh doanh doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Các đối tượng còn lại thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn tiếp tục áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa 6,0%/năm (thấp hơn 0,5%/năm so với trần quy định của NHNN Việt Nam). Bên cạnh đó, kể từ ngày 1-8 đến 31-12-2019, BIDV triển khai hai gói tín dụng quy mô 70.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Ngoài ra, các ngân hàng TMCP khác cũng thực hiện nhiều chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất thấp, như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm 1% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố gói vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn với mức lãi suất giảm khoảng 0,5%...

Gia tăng niềm tin của doanh nghiệp

Theo đại diện của Vietcombank: Để có thể từng bước giảm lãi suất, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nền kinh tế, thời gian vừa qua, ngân hàng đã liên tục triển khai đồng bộ các giải pháp về tiết giảm chi phí hoạt động, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng hóa kinh doanh, tăng cường quản trị rủi ro. Ngoài ra, Vietcombank đã và đang giữ vững vai trò đi đầu trong thực hiện các biện pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là các đối tượng được ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN Việt Nam. Vietcombank tin rằng đây sẽ là những hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ cũng như NHNN Việt Nam, nỗ lực vì mục tiêu chung phát triển kinh tế.

Các chuyên gia nhận định, việc cắt giảm lãi suất tại những lĩnh vực ưu tiên sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để tái đầu tư SXKD, nhất là trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng đầu vào đang tăng cao. Đồng thời gia tăng niềm tin của doanh nghiệp vào SXKD, thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, về mặt kinh tế học, việc giảm lãi suất có thể dẫn đến phát sinh một số hệ lụy. Đầu tiên là mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% theo định hướng của NHNN Việt Nam từ đầu năm 2019 có thể bị phá vỡ nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Tiếp theo, việc giảm lãi suất cũng đồng nghĩa với nguồn cung tiền ra nền kinh tế sẽ tăng, qua đó tạo áp lực khiến lạm phát gia tăng. Ngoài ra, việc giảm lãi suất mới chỉ được tiến hành ở một số ngân hàng nên có thể sẽ tác động không đủ lớn lên toàn thị trường và mức độ lan tỏa chủ yếu chỉ tập trung ở một số lĩnh vực ưu tiên thay vì toàn bộ phân khúc khách hàng như kỳ vọng đặt ra trước đó.

Kiểm soát cung ứng tiền tệ hiệu quả

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Khi giảm lãi suất có nghĩa là NHNN Việt Nam đang thi hành một chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm đẩy một lượng cung ứng tiền tệ vào lưu thông. Điều này dẫn tới tăng trưởng tín dụng là kết quả tất yếu do khi giảm lãi suất cho vay thì người ta sẽ đi vay nhiều hơn. Tuy nhiên, NHNN Việt Nam có thể sử dụng nhiều biện pháp để kiểm soát cung ứng tiền tệ, nhất là đối với cung tiền M1 (tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi thanh toán) và M2 (tổng phương tiện thanh toán). Đầu tiên là giao chỉ tiêu tín dụng cụ thể cho từng ngân hàng, tức là điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng nhằm kiểm soát cung ứng tiền tệ. Biện pháp thứ hai là thông qua thị trường mở (OMO) để bán ra một lượng trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN Việt Nam nhằm hút dòng tiền vào nếu như lượng cung ứng tiền tệ dư thừa do việc giảm lãi suất mang lại. Tuy nhiên, biện pháp này phải sử dụng cẩn thận, nếu hút tiền vào quá nhiều sẽ lại làm cho lãi suất tăng ngược trở lại. Thêm một công cụ kiểm soát nữa, đó là trên thị trường các ngân hàng giao dịch với nhau, NHNN Việt Nam sẽ sử dụng công cụ lãi suất điều hành, bao gồm lãi suất qua đêm, lãi suất tái chiết khấu... để hạn chế dư thừa cung ứng tiền tệ vận hành trong nền kinh tế nhằm giảm lạm phát, đẩy mạnh tăng trưởng GDP.

Về mặt dài hạn, muốn đẩy lãi suất cho vay giảm xuống thì việc đầu tiên phải làm là hạ thấp lãi suất huy động. Mặt khác, ngân hàng thường phải giữ một biên độ lợi nhuận tối thiểu để bảo đảm hiệu quả kinh doanh, xấp xỉ quanh mức 3% chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Do vậy, lãi suất cho vay và lãi suất huy động có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, nếu các ngân hàng TMCP giảm lãi suất huy động quá nhiều có thể sẽ mất khách do giá vàng và thị trường chứng khoán đang tăng lên. Việc lãi suất tiền gửi thấp có thể khiến khách hàng rút tiền khỏi nhà băng để chuyển sang đầu tư vàng hoặc chứng khoán. Để giảm lãi suất huy động một cách hiệu quả thì bài toán muôn thuở là giảm tỷ lệ lạm phát và nền kinh tế phải phát triển ổn định, bền vững.

Từ sau ngày 1-8-2019, có 9/35 ngân hàng giảm lãi suất cho vay, gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, Techcombank, MB, ACB, VPBank, ABBank. Những ngân hàng đang cân nhắc giảm lãi suất cho vay, gồm: Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank)...

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc