Hà Tĩnh phát huy tiềm năng lợi thế, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII
EmailPrintAa
16:33 31/03/2017

Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu: “Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...”.
 
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh trống khai hội Lễ hội Chùa Hương Tích, mở đầu Năm Du lịch Hà Tĩnh 2017  

Xét về tiềm năng và các lợi thế, Hà Tĩnh có thể là địa phương đủ khả năng để thúc đẩy phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, những câu ví, điệu hò Xứ Nghệ và cốt cách của người Miền Trung: Chân tình, thân thiện và mến khách.

Hà Tĩnh có hệ thống giao thông rất thuận lợi: Quốc lộ 1A đi qua 7 huyện, thành phố, thị xã với chiều dài 127 km; đường Hồ Chí Minh qua 3 huyện với chiều dài 70 km và đường sắt Bắc - Nam qua 4 huyện với chiều dài 70 km, Cảng hàng không Quốc tế Vinh, tỉnh Nghệ An cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh 60 km; Quốc lộ 8 đi Lào qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo dài 85 km; Quốc lộ 12 dài 55 km đi từ cảng Vũng Áng đến Cửa khẩu Cha Lo sang Lào. Hà Tĩnh trở thành nút giao thông quan trọng giao lưu quốc tế giữa Việt Nam, Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, hành lang kinh tế Đông Tây.

Với địa hình được phân bố đồng đều có cả miền núi, đồng bằng và vùng ven biển, có bờ biển dài 137km, được thiên nhiêu ưu đãi nhiều bãi tắm đẹp như: Xuân Thành, Thạch Bằng, Thạch Hải, Thiên Cầm, Mũi Đao,… trong đó bãi biển Thiên Cầm được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp và tốt nhất của vùng Bắc Trung Bộ; Khu du lịch suối nước nóng Sơn Kim, Vườn Quốc gia Vũ Quang gắn với hệ thống Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ… Hà Tĩnh có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, là quê hương của nhiều danh nhân, có Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc và 77 di tích cấp quốc gia, 426 di tích cấp tỉnh. Hà Tĩnh cũng là vùng đất có đời sống văn hóa dân gian hết sức phong phú như: Hát phường vải Trường Lưu; ca trù Cổ Đạm, Lẩy Kiều ở Nghi Xuân; hát Ví, Giặm đò đưa dọc sông Lam, múa sắc bùa ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê; Hò chèo cạn ở Cẩm Nhượng, Hò Thạch Khê... Đặc biệt dân ca Ví, Giặm Nghệ tĩnh đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Các đình, chùa nổi tiếng như Chùa Hương Tích, Đền Chợ Củi, Đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh ở Đèo Ngang, Thành Sơn phòng Hàm Nghi... luôn hấp dẫn du khách thập phương.

Những năm qua, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch trên địa bàn có bước phát triển mạnh, giai đoạn 2006 - 2016 có 50 dự án du lịch với tổng vốn thực hiện 5.000 tỷ đồng. Riêng năm 2016, thu hút được 20 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư bằng nguồn xã hội hóa 3.137 tỷ đồng, trong đó nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch như Vingroup, Sài Gòn BMC, Mường Thanh... đã tham gia sâu vào thị trường du lịch Hà Tĩnh. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư được đẩy mạnh, nhiều dự án đầu tư về du lịch được triển khai như: Trung tâm dịch vụ giải trí đua chó, sân golf Xuân Thành, Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl-Cửa Sót, Tổ hợp khách sạn, siêu thị và văn phòng của Tập đoàn Vincom tại thành phố Hà Tĩnh và nhiều dự án resort, khách sạn đang tiến hành các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng trong thời gian tới hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo và sự phát triển mới cho du lịch Hà Tĩnh.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành du lịch Hà Tĩnh vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, như: Hà Tĩnh là địa phương nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rõ rệt. Điểm xuất phát du lịch Hà Tĩnh thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong vùng và cả nước. Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, là vùng chưa có nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế du lịch. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch nhưng chưa xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của kinh tế du lịch nên chưa xây dựng được chiến lược phát triển du lịch, đồng thời cũng chưa quan tâm đến phát triển các tiềm năng, lợi thế, các đặc trưng, các sản phẩm truyền thống của địa phương...

Chương trình hành động số 540-CTr/TU, ngày 20/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã xác định: “Phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái; đầu tư nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Hà Tĩnh có tính cạnh tranh cao, bền vững; tích cực xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Khai thác có hiệu quả thị trường khách quốc tế, nhất là du khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Singapore và các nước khác trong khối ASEAN; đồng thời chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa; tăng cường liên kết vùng và liên vùng trong phát triển du lịch” và “Đến năm 2020, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung mọi nguồn lực để đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần của Nghị quyết và có tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập của tỉnh.

Để phát huy những tiềm năng, lợi thế có sẵn nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hà Tĩnh đang và sẽ tiếp tục tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Xác định kinh tế du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, mang tính xã hội hóa cao mang nội dung văn hóa sâu sắc. Phát triển kinh tế du lịch góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại.

Thứ hai, khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, các di tích, danh thắng và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái. Rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực trọng điểm. Các huyện, thành phố, thị xã có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch xây dựng đề án phát triển ngành du lịch của địa phương là ngành kinh tế mũi nhọn theo lộ trình của tỉnh.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ban hành cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch theo định hướng cơ cấu lại ngành du lịch. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Hà Tĩnh.

Thứ tư, đầu tư phát triển hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng giao thông tại các địa bàn trọng điểm, động lực phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch. Đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ Quốc lộ 1A và Quốc lộ 8A. Tập trung đầu tư cảng biển, cảng thuỷ nội địa chuyên dùng tại cảng Vũng Áng, những địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông. Cải thiện hạ tầng và chất lượng phục vụ tại 02 ga tàu Hương Phố - Hương Khê và Đức Yên - Đức Thọ để phục vụ khách du lịch. Đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan điều chỉnh tuyến đường Sắt Bắc - Nam, tuyến đường Cao tốc Bắc - Nam (sắp tới được đầu tư) đi qua gần thành phố Hà Tĩnh.

Thứ năm, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội du lịch trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đặt văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố lớn trong nước và nước ngoài. Phát huy vai trò của cộng đồng người Hà Tĩnh, hội đồng hương Hà Tĩnh ở các tỉnh, thành phố và ở nước ngoài tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực du lịch một cách chuyên nghiệp; thay đổi hành vi, phương pháp làm du lịch; xây dựng chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Phan Xuân Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc