Hiệu quả từ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở huyện Hương Khê
EmailPrintAa
11:02 15/10/2018

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 08/8/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong những năm qua, kinh tế trang trại ở Hương Khê đã có sự phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và làm giàu cho người dân; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Một vườn bưởi Phúc Trạch

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2014-2020; ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020; đồng thời chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết gắn với xây dựng nông thôn mới: Lập và điều chỉnh quy hoạch; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giao đất, giao rừng; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; ban hành và thực hiện các chính sách nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Đến nay, toàn huyện có 23.785 hộ gia đình làm kinh tế vườn, tổng thu nhập 653,24 tỷ đồng, đạt 816% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tăng 314,5 tỷ đồng so với năm 2013; 1.385 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đã triển khai xây dựng 951 vườn mẫu, trong đó có 309 vườn đã được công nhận đạt chuẩn; tham gia cuộc thi “Khu dân cư mẫu, vườn mẫu” cấp tỉnh năm 2018, có 03 khu dân cư, 15 vườn đạt giải, trong đó 01 khu dân cư đạt giải đặc biệt. Toàn huyện có 144 trang trại, trong đó 44 trang trại đạt các tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, trang trại trồng trọt chiếm 57%, trang trại chăn nuôi chiếm 15%, trang trại lâm nghiệp chiếm 7,3%, trang trại tổng hợp chiếm 20%. Các trang trại chủ yếu khai thác tiềm năng lợi thế vùng để phát triển các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, kết hợp kinh doanh tổng hợp như­ nuôi cá, chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, ong lấy mật... Các sản phẩm cho giá trị kinh tế cao chủ yếu là cây ăn quả như cam và bưởi Phúc Trạch; tổng diện tích bưởi Phúc Trạch, cam các loại trên 2.700 ha, đạt 104,1% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 1.441 ha so với năm 2013; trên 1.000 hộ có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Về chăn nuôi, có 506 mô hình chăn nuôi lợn liên kết quy mô vừa và nhỏ; tổng đàn lợn 47.654 con, tăng 42,5% so với năm 2013; trâu, bò 44.520 con, tăng 8,41% so với 2013.

Tuy có bước phát triển nhưng việc khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế trong vườn hộ, trang trại chưa mạnh mẽ, hiệu quả chưa cao; chất lượng, giá trị, tính ổn định của sản phẩm còn ở mức thấp. Công tác quy hoạch, chuyển đổi đất đai, cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, giao đất, giao rừng, liên kết trong sản xuất, chế biến còn hạn chế; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn. Hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu kém, chưa đồng bộ. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Số vườn hộ đạt chuẩn, có doanh thu trên 100 triệu/năm chưa nhiều; trang trại lâm nghiệp phát triển chậm, doanh thu còn đạt thấp.

Đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh phát biểu tại Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Hương Khê tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU gắn với Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 07/12/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 16/3/2016 của Huyện ủy Hương Khê về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xác định rõ cây trồng, vật nuôi chủ lực trong vườn hộ, trang trại; đầu tư theo hướng thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến, liên kết, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đảm bảo vệ sinh môi trường. Chọn công tác thương mại, bảo quản, chế biến sản phẩm kinh tế vườn, kinh tế trang trại làm khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo. Phấn đấu đến năm 2020 có 1.600 mô hình kinh tế vườn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; trên 3.000 mô hình  thu nhập trên 50 triệu đồng/năm; 2.800 hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế theo hướng trang trại, trong đó tăng số lượng trang trại trồng trọt, lâm nghiệp và trang trại tổng hợp. Phấn đấu tổng giá trị hàng hóa từ kinh tế trang trại đạt trên 280 tỷ đồng/năm; tổng thu nhập bình quân 100 triệu đồng/trang trại/năm, trong đó có 200 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT; 100% trang trại đạt tiêu chí môi trường; trên 50% trang trại có liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Tuấn Anh - Văn phòng Huyện ủy Hương Khê


    Ý kiến bạn đọc