Hiệu quả từ phong trào phát triển kinh tế ở các địa phương
EmailPrintAa
15:52 15/02/2019

Thời gian qua, hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cao cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các thành viên Tổ hợp tác tiến hành chăm sóc nấm

Mô hình trồng nấm ở xã Hương Bình

Năm 2014, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nấm sò và tham quan một số mô hình trong và ngoài huyện, nhận thấy đây là mô hình đầu tư ít vốn, không cần nhiều diện tích nên chị Trần Thị Hậu, thôn Bình Hải, xã Hương Bình, huyện Hương Khê đã mạnh dạn cùng với 11 hộ gia đình khác trong thôn thành lập Tổ hợp tác trồng nấm Bình Hải, chuyên trồng nấm sò, mộc nhĩ và nấm linh chi.

Ban đầu, chị Trần Thị Hậu huy động mỗi thành viên đóng góp 3 - 5 triệu đồng để xây dựng nhà trồng nấm, mua nguyên liệu và giống. Đến tháng 4/2018, Tổ hợp tác xây dựng thêm một nhà trồng nấm cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt trị giá gần 90 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Vương quốc Bỉ. Hiện nay, Tổ hợp tác Bình Hải có 02 khu nhà, một dùng để ủ, bọc nguyên liệu và một nhà để trồng nấm.

Theo chia sẻ của các thành viên tổ hợp tác, trồng nấm không khó nhưng phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố, như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,... Bình quân mỗi đợt, Tổ hợp tác Bình Hải có khoảng 1.500 phôi nấm sò, 800 phôi nấm mộc nhĩ và 300 phôi nấm linh chi; trung bình mỗi ngày thu hoạch 18 - 20 kg nấm sò, bán với giá 40.000 đồng/kg, bình quân một tháng thu được hơn 16 triệu đồng; mộc nhĩ và nấm linh chi nuôi trồng dài ngày hơn nhưng giá cao hơn, chủ yếu bán vào các dịp lễ, Tết.

Trước đây, các hộ gia đình chủ yếu dựa vào làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn thu nhập không cao. Từ khi được tập huấn và tham gia trồng nấm, ngày nào các gia đình cũng có thu nhập. Ngoài thời gian làm nông nghiệp, các hộ tham gia trồng nấm, tuy là nghề phụ nhưng đã đem lại nguồn thu chính cho các gia đình.

Hiện tại, Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu tại Hà Tĩnh đang hỗ trợ về nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho Tổ hợp tác trồng nấm Bình Hải. Ngoài ra, sản phẩm cũng được các hộ bán cho tiểu thương hoặc bán lẻ cho người dân trong vùng.

Thời gian tới, để sản phẩm nấm sạch đến được với đông đảo người tiêu dùng và nhân rộng các mô hình như Tổ hợp tác trồng nấm Bình Hải, rất mong các cấp, các ngành mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho bà con ở các địa phương, nhằm giúp các hộ gia đình giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Ba Khe

Nhận thấy tiềm năng mặt nước ở hồ thủy lợi Ba Khe, ông Hoàng Văn Quang, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh đã mạnh dạn đấu thầu, vay vốn đầu tư để xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè.

Ông Quang cho cá ăn

Được chính quyền địa phương chấp thuận, tạo điều kiện, ông Hồ Văn Quang đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng mô hình. Sau hơn 2 năm, mô hình nuôi cá lồng bè của ông đã nhân lên 12 lồng với các loại cá: Diêu hồng, cá leo, cá lăng, cá chình, cá chép... Trung bình mỗi lồng, sau khi trừ các khoản chi phí lãi 30 - 50 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Để có thành công nói trên, ông Quang đã tự học hỏi và áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cá. Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi có ưu điểm là dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nguồn nước luôn được lưu thông, môi trường ít bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để cá sinh trưởng tốt. Ngoài ra, ông Quang còn thả hàng nghìn con giống cá rô phi, cá mè bên ngoài lồng; riêng cá rô phi được ông tận dụng làm nguồn thức ăn cho cá leo, nhờ đó giảm được chi phí, tăng doanh thu.

Mô hình nuôi cá lồng bè ở hồ thủy lợi của ông Hoàng Văn Quang tuy mới thực hiện song đã mang lại hiệu quả tương đối cao. Dám nghĩ, dám làm, ông Hoàng Văn Quang là điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.

Kiều Thị Thu Hằng - Trần Mạnh Hải


    Ý kiến bạn đọc