Hỗ trợ doanh nghiệp thời đại dịch
EmailPrintAa
15:47 18/03/2020

Bước sang năm 2020, dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới chao đảo. Hai tháng qua, hầu hết các nước có dịch Covid-19 tràn qua đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Ngay cả những nền kinh tế lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Italy, Anh, Đức... cũng chịu tổn thất không nhỏ.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hầu hết các ngành: Dịch vụ, thương mại, du lịch, hàng không, nông nghiệp, da giày, may mặc... thị trường bị thu hẹp, nguồn thu sụt giảm đáng kể, tạo ra “cú sốc” cho các doanh nghiệp (DN).

Đứng trước tình hình trên, nhiều DN sản xuất đã bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Thiếu lao động, thiếu nguyên liệu, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm nên nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa phải thu hẹp SXKD hoặc tạm ngừng hoạt động. Theo báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ DN có doanh thu bị giảm trên 50% sẽ chiếm hơn 60%, doanh thu giảm 20-50% chiếm gần 29%, chỉ có 1,8% số DN nhận được tác động tích cực.

Ảnh minh họa: TTXVN

Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để chia sẻ và hỗ trợ DN thời điểm khó khăn này. Đó là chủ trương tạo môi trường đầu tư, SXKD tốt hơn để DN phát triển, bao gồm cả việc tạo thị trường mới, giữ ổn định kinh tế vĩ mô... Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương, cần tiếp tục phát động Phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phải làm cho hàng hóa sản xuất trong nước trở thành sự lựa chọn đầu tiên của người Việt. Có như vậy, DN mới có thêm động lực và sức sống để vươn lên.

Khó khăn do dịch bệnh gây ra đối với các DN ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên, trong khó khăn cũng có những cơ hội. Vì thế, DN cần tái cơ cấu SXKD, nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với tình hình, đầu tư cho công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, có giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Khi dịch Covid-19 được dập tắt cũng là lúc nền kinh tế của các nước lớn sẽ sớm phục hồi sản xuất. Đó chính là thời cơ để DN Việt nắm bắt và vươn theo.

Dù khó khăn, thử thách, DN cần kiên cường trụ vững, cùng với Chính phủ và nhân dân trở thành “pháo đài” trong phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nước ta có 800.000 DN và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Với lực lượng đông đảo, DN và các nhà hảo tâm không chỉ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch mà hãy tích cực đóng góp kinh phí cho công tác này. Cùng với sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền các địa phương, DN sẽ lấy lại được sức sống, tận dụng cơ hội để khôi phục, phát triển SXKD, góp phần đưa đất nước tiến lên trên con đường hội nhập, phát triển.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc