Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
EmailPrintAa
17:01 23/09/2024

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể. Nhờ vậy, kinh tế tập thể đã có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của Hội Nông dân tỉnh

Theo thống kê, đến cuối năm 2023 cả nước có 30.698 hợp tác xã, 137 liên hiệp hợp tác xã và 71.500 tổ hợp tác, thu hút 7 triệu thành viên tham gia, tạo việc làm ổn định cho hơn 3 triệu lao động, nhất là lao động nghèo ở nông thôn. Tại Hà Tĩnh, những năm qua,  tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.035 hợp tác xã, 2.579 tổ hợp tác và 03 liên hiệp hợp tác xã, với khoảng 91.000 thành viên. Hoạt động của hợp tác xã đa ngành nghề, trong đó tập trung vào 06 lĩnh vực chính, gồm: nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại dịch vụ; xây dựng, vận tải; môi trường; quỹ tín dụng và dịch vụ khác; vốn điều lệ bình quân 2,3 tỷ đồng/hợp tác xã, doanh thu bình quân 1,55 tỷ đồng/hợp tác xã. Có 552 hợp tác xã (chiếm tỷ lệ 53,3% tổng số hợp tác xã), 2.390 tổ hợp tác (chiếm tỷ lệ 92,7% số tổ hợp tác) và 3 liên hiệp hợp tác xã (chiếm tỷ lệ 100%) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với hơn 33.500 thành viên.

Những năm qua, kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở tỉnh Hà Tĩnh đã có bước chuyển biến nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã liên kết, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm đa dạng, góp phần đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động.

Xuất hiện nhiều hợp tác xã nông nghiệp quy mô nhiều thành viên, hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như: Hợp tác xã Thống nhất Xuân Lam (huyện Nghi Xuân), Hợp tác xã Quỳnh Lương (thị xã Hồng Lĩnh), Hợp tác xã Quang Trung (huyện Đức Thọ)... Về chăn nuôi, nhiều hợp tác xã thực hiện chăn nuôi lợn liên kết, chăn nuôi tự chủ quy mô lớn, hiệu quả thu nhập cao, như Hợp tác xã Hoàng Châu, Hợp tác xã Thu Hằng, Hợp tác xã Bình An (huyện Kỳ Anh); Hợp tác xã Minh Lộc (huyện Cẩm Xuyên); Hợp tác xã Bình Minh (huyện Đức Thọ)… Về lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, dịch vụ thủy sản, một số hợp tác xã đã đầu tư khoa học - công nghệ vào sản xuất, tiêu biểu như Hợp tác xã Phú Sáng (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên); Hợp tác xã Phú Khương, Hợp tác xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh); Hợp tác xã Chiến Thắng (thị xã Kỳ Anh). Nhiều hợp tác xã trồng cây ăn quả đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất quy mô lớn, như Hợp tác xã Nga Hải (huyện Nghi Xuân) trồng 5.000 m 2 dưa lưới theo công nghệ Israel, Hợp tác xã Gia Phúc (huyện Can Lộc) trồng 14.000 cây ăn quả các loại trên diện tích 45 ha (trong đó có 25 ha được công nhận nông nghiệp hữu cơ), canh tác bằng máy móc công nghiệp hóa và đã ứng dụng công nghệ tưới tự động… Nhiều hợp tác xã đi đầu về ứng dụng chuyển đổi số; tập trung, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết số 05-NQ/TU và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; thay đổi tư duy, chủ động gắn sản xuất với thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản. Tổng cộng, toàn tỉnh hiện có 19 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, 17 hợp tác xã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý; có 85 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ông Bùi Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) cho biết: “Hợp tác xã hiện có 691 thành viên, tổng diện tích trồng lúa 218ha. Chúng tôi đã phá ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, cánh đồng một loại giống và mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp rươi, cáy diện tích 10ha đưa vào sản xuất và khai thác trong năm 2023 với giống lúa ST25 chất lượng cao, đạt hiệu quả cao, năm nay dự kiến đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm”.

Đại diện các ngành chức năng, doanh nghiệp tham quan mô hình nuôi cá chim vây vàng ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà

Các hợp tác xã và tổ hợp tác trong nông nghiệp không chỉ góp phần dẫn dắt kinh tế hộ, mà còn góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Tiêu chí 13 “Hình thức tổ chức sản xuất”. Kinh tế tập thể trong nông nghiệp từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp của Hà Tĩnh quy mô nhỏ; sản xuất nhỏ, số sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng còn ít, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa trở thành hàng hóa lớn cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Cơ sở vật chất, trình độ quản lý của một số hợp tác xã còn hạn chế…

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”, đồng thời khắc phục các hạn chế đã nêu, vừa qua Hội Nông dân tỉnh và Liên minh Hợp tác xã đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Chương trình gồm 10 nội dung phối hợp hàng năm giữa hai đơn vị, trong đó tập trung ưu tiên các nguồn vốn của Hội và Liên minh Hợp tác xã, các chương trình dự án để hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; hỗ trợ tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Với sự quan tâm về cơ chế, chính sách; sự nỗ lực của bộ phận quản lý và các xã viên, tin tưởng trong thời gian tới, kinh tế tập thể ở Hà Tĩnh sẽ có những bước phát triển mới, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dương Trí Thức (Hội Nông dân tỉnh)


    Ý kiến bạn đọc