Lãnh đạo huyện kiểm tra mô hình trồng rau, củ, quả
Để thực hiện có hiệu quả phong trào, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã kịp thời xây dựng kế hoạch, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo: Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 14/3/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Hằng năm tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện với thanh niên trên địa bàn... Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan các mô hình kinh tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại các địa bàn trong và ngoài huyện; rà soát, tổng hợp danh sách, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục và tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, hỗ trợ thanh niên ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh và thông tin về các mô hình phát triển kinh tế. Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho thanh niên vay vốn để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, giảm nghèo với số tiền hơn 36 tỷ đồng. Đồng thời, thành lập câu lạc bộ “Kinh tế thanh niên” nhằm động viên, giúp đỡ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm, thông tin, kiến thức, thị trường tiêu thụ, qua đó giúp đoàn viên thanh niên ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá - xã hội, kinh tế địa phương.
Ra mắt mô hình kinh doanh “Xe điện Phương Nam” của đoàn viên Nguyễn Thị Huyền, xã Lâm Trung Thủy
Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn phân bổ chỉ tiêu cho các cơ sở Đoàn trên toàn huyện hỗ trợ xây dựng ít nhất 01 mô hình kinh tế thanh niên. Trong năm 2023, toàn huyện đã thành lập mới 19 mô hình kinh tế thanh niên với tổng chi phí đầu tư lên đến gần 10 tỷ đồng. Đến nay, nhìn chung các mô hình được thành lập đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của đoàn viên Nguyễn Thanh Truyền (xã Hòa Lạc), đồng thời trồng 1.000 cây dưa đỏ, cùng nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày như: đậu, lạc, rau quả các loại. Mô hình sản xuất lưỡi cưa (Cơ sở sản xuất lưỡi cưa Phong Hoa) của đoàn viên Nguyễn Minh Phong (xã Thanh Bình Thịnh), giành giải nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2022. Phong đã mạnh dạn đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để mua sắm máy móc, hiện doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt gần 100 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng. Mô hình kinh doanh “Xe điện Phương Nam” của đoàn viên Nguyễn Thị Huyền, thôn Trung Tiến, xã Lâm Trung Thủy . Mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, cho doanh thu từ 25 - 35 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương . Ngoài ra, còn nhiều mô hình kinh tế bước đầu đem lại hiệu quả như: Mô hình tư vấn thiết kế, thi công nhôm kính cao cấp của đoàn viên Trần Hoàn (thôn Vọng Sơn - xã Tùng Ảnh); mô hình trồng đậu côve trong nhà màng của đoàn viên Nguyễn Doãn Vũ (xã Tân Dân)...
Bên cạnh kết quả đạt được, phần lớn các mô hình kinh tế của thanh niên có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh đơn lẻ, chưa chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đa ngành, đa nghề. Nguồn vốn vay cho đoàn viên, thanh niên để phát triển sản xuất còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình sản xuất. Năng lực, hiệu quả kinh tế của nhiều mô hình chưa cao, trình độ quản lý, điều hành còn hạn chế. Nhiều chủ cơ sở còn thiếu kiến thức trong phân tích thị trường, chưa có nhiều kỹ năng, sự tự tin trong phát triển kinh tế...
Thời gian tới, để các mô hình kinh tế tiếp tục được phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên mạnh dạn hơn trong tham gia phát triển kinh tế, làm giàu tại địa phương, Huyện Đức Thọ tiếp tục tăng cường hỗ trợ đoàn viên, thanh niên hợp tác, trao đổi, nắm bắt, cập nhật thông tin; hỗ trợ kịp thời các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp. Đồng thời, tổ chức các diễn đàn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để giải quyết khó khăn, hỗ trợ và đồng hành cùng thanh niên trong quá trình khởi nghiệp.
Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo của cấp ủy, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền và các ngành chức năng, sự hăng say lao động cùng khát vọng vươn lên, thanh niên huyện Đức Thọ sẽ tiếp tục có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Phan Thị Thanh Tâm (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Thọ)
Tin mới cập nhật
- Chú trọng phát triển trí tuệ thông minh, cơ sở dữ liệu, nền tảng để bứt phá tới tương lai ( 23/01)
- Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 ( 16/01)
- Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông! ( 14/01)
- 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2024 ( 31/12)
- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số ( 29/12)
- Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để "cả hai cùng thắng" ( 17/12)