Huyện Hương Khê phát triển kinh tế tập thể
EmailPrintAa
09:30 14/05/2019

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như trong xây dựng Nông thôn mới, trong những năm qua, huyện Hương Khê đã quan tâm và có các chính sách hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân.

Sản xuất chè tại Nông trường 20 - 4 (ảnh minh họa)

Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Luật Hợp tác xã sửa đổi, bổ sung năm 2012; chỉ đạo xây dựng hồ sơ chuyển đổi, thành lập mới hợp tác xã; đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập mới hợp tác xã từ 15 ngày xuống còn 03 ngày.

Tính đến hết quý I năm 2019, toàn huyện có 112 hợp tác xã, bao gồm: 72 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 06 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 18 hợp tác xã thương mại, dịch vụ; 03 hợp tác xã xây dựng; 05 hợp tác xã vận tải; 07 hợp tác xã môi trường và 01 quỹ tín dụng nhân dân. Tổng giá trị vốn, tài sản của hợp tác xã trên 110 tỷ đồng; thu nhập bình quân của thành viên, lao động trong hợp tác xã từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, có 257 tổ hợp tác, bao gồm: 233 tổ hợp tác nông, lâm nghiệp, 02 tổ hợp tác công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 03 tổ hợp tác xây dựng; 15 tổ hợp tác môi trường và 04 tổ hợp tác khác. Về bộ máy, cơ bản các hợp tác xã đều cơ cấu đúng theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Giám đốc, phó giám đốc, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ và các sáng lập viên. Nhìn chung, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã chuyển đổi hoạt động theo quy định, ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh; từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của xã viên. Một số mô hình tổ hợp tác tổ chức sản xuất tốt, thực hiện liên kết với các hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất, giúp người lao động giảm được chi phí sản xuất, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tiêu biểu là: Tổ hợp tác trồng nấm Hương Bình, Tổ hợp tác sản xuất nấm Phúc Đồng, Tổ hợp tác trồng cây ăn quả xóm 2 xã Phương Điền…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể ở huyện Hương Khê còn có những hạn chế: Một số hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, chưa năng động trong cơ chế thị trường, chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Nhìn chung, các hợp tác xã có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chưa có trụ sở riêng, thiếu vốn hoạt động, chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào của sản xuất, chưa chủ động hợp tác với bên ngoài; năng lực quản lý và kiến thức về sản xuất, kinh doanh của ban điều hành các hợp tác xã nói chung còn thiếu.

Thời gian tới, huyện Hương Khê tiếp tục chỉ đạo đổi mới hợp tác xã cả về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; khuyến khích đầu tư nguồn lực, công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Có chính sách hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm chủ lực của địa phương và các sản phẩm làng nghề truyền thống của nông dân; ưu tiên bố trí một phần ngân sách huyện, đồng thời lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án để hỗ trợ một số mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực địa phương. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác được thuê đất mở rộng sản xuất, kinh doanh và xây dựng trụ sở làm việc, kho bãi; chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện để các tổ hợp tác, hợp tác xã được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi…

Phạm Thị Sâm - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hương Khê


    Ý kiến bạn đọc