Huyện Lộc Hà từng bước phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
EmailPrintAa
17:02 10/05/2022

Lộc Hà là huyện ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 13km bờ biển có khả năng phát triển du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Mạng lưới giao thông gồm Quốc lộ 281, Quốc lộ 15B, Tỉnh lộ 9 và đường 70m nối xã Thạch Kim - thị trấn Lộc Hà qua trung tâm hành chính huyện ra biển… tạo điều kiện để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Lễ công bố nhãn hiệu chè Hồng Lộc

Thời gian qua, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 18/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa các nội dung, ban hành Chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát, bổ sung và quản lý quy hoạch; kêu gọi, xã hội hóa thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển Cụm công nghiệp Thạch Kim; tiến hành giao đất, cho thuê đất, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng các ngành, nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Mặc dù gặp một số khó khăn, nhất là bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự điều hành linh hoạt của cấp ủy đảng, chính quyền, kinh tế của Huyện chuyển dịch đúng hướng; 04 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 7,76%. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt 4.046 tỷ đồng, trong đó thương mại và dịch vụ đạt 1.510 tỷ đồng, công nghiệp và xây dựng đạt 1.480 tỷ đồng. Các hợp tác xã khai thác đất, đá, sản xuất gạch, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, cơ sở cấp đông; các làng nghề truyền thống, như: Chế biến thủy sản, làm nấm, đan chổi, làm hương, bánh bún... tiếp tục được đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Kết cấu hạ tầng thủy sản, cảng cá, âu tránh trú bão, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng. Hoạt động của các nhà đầu tư tại Cụm Công nghiệp xã Thạch Kim được duy trì tốt, đạt trên 90% diện tích. Hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Cụm công nghiệp Thạch Bằng và vùng phụ cận với diện tích 31 ha. Công nhận 03 làng nghề: Làng nghề làm bún Đại Lự xã Hồng Lộc; Làng nghề làm hương thôn Báo Ân xã Thạch Mỹ; Làng nghề làm muối thôn Châu Hạ xã Thạch Châu…

Người dân thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ làm chổi đót

Nhằm góp phần tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Huyện đã đầu tư hệ thống mương thoát nước thải và trạm xử lý nước thải tại xã Thạch Kim và Cụm công nghiệp thủy sản Thạch Kim; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư có khả năng gây ô nhiễm đầu tư xây dựng hệ thống bể lắng, bể bioga; tận dụng tối đa cơ chế hỗ trợ xi măng làm rãnh thoát nước…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU trên địa bàn huyện Lộc Hà vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô còn nhỏ, trình độ thấp; một bộ phận lao động chưa qua đào tạo nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc vay vốn, thuê đất sản xuất, kinh doanh, áp dụng khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Chưa khai thác được tiềm năng du lịch tạo cầu nối cho sự khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống.

Thời gian tới, để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, cấp ủy đảng, chính quyền Huyện tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tập trung nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống hiện có, như: Vật liệu xây dựng, mây tre đan, cơ khí, bún, bánh, chế biến thủy hải sản... theo hướng ưu tiên các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, chất lượng cao; sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để mở rộng các hình thức hợp tác đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu và địa chỉ. Có cơ chế chính sách khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo để có nguồn nhân lực bảo đảm số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật.

Nguyễn Thùy (Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà)


    Ý kiến bạn đọc