Ðiểm sáng trong bức tranh kinh tế
EmailPrintAa
15:58 03/01/2018

Năm 2017 vừa qua, nền kinh tế nước ta khởi sắc, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nổi bật là hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) vượt ngưỡng 400 tỷ USD, gấp hai lần GDP, tăng gấp hai lần sau sáu năm, tính từ năm 2011. Mức tăng trưởng xuất khẩu (XK) tăng gấp ba lần dự kiến. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết để hoạt động XK phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Bốc xếp hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Hải Phòng.

Giá trị xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc

Trong năm qua, XK tăng trưởng cao, cả về quy mô và tốc độ, ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,7% so năm trước và là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD (tăng 16,2%), khu vực FDI 155,24 tỷ USD (tăng 23%). Tăng trưởng XK góp phần tăng trưởng GDP, tạo thêm việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho người dân và thể hiện sự phục hồi của sản xuất trong nước, tạo thêm nguồn hàng XK. Cơ cấu các nhóm hàng XK tiếp tục chuyển dịch phù hợp chiến lược XNK hàng hóa của nước ta. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm gần 80,2% (tăng 22,4%). Có đến năm mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến có kim ngạch XK vượt 10 tỷ USD, bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; giày dép; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác. Tính chung kim ngạch năm nhóm hàng đạt 128 tỷ USD, chiếm 73,5% của nhóm. Nhóm hàng nông, thủy sản đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16,9%. Ðặc biệt, nhóm hàng rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 44%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm ước tính 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 84,7 tỷ USD, tăng 17%; khu vực FDI 126,4 tỷ USD, tăng 23,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2017 thặng dư 2,7 tỷ USD. Trong đó, khối kinh tế trong nước thâm hụt 26,1 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 28,8 tỷ USD. Năm 2017 ghi nhận một kỷ lục mới của XNK Việt Nam khi tổng mức luân chuyển hàng hóa XK, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD, tăng 200 tỷ USD trong sáu năm.

Công tác phát triển, đa dạng hóa thị trường XK tiếp tục đạt kết quả tích cực. Việt Nam đang có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; khoảng 70 thị trường có giá trị XK hơn 100 triệu USD. Có chín thị trường nhập siêu hơn một tỷ USD. Trong đó, nhập siêu lớn nhất với Hàn Quốc là 29 tỷ USD (tăng 55,8%), tiếp theo là Trung Quốc 21,59 tỷ USD (giảm 15,3%). Tổng mức nhập siêu với hai thị trường này chiếm 69,5% tổng mức nhập siêu của chín thị trường (số liệu 11 tháng).

Ðặc điểm chung của hàng hóa XK nước ta nhiều năm qua là chủ yếu XK sản phẩm thô ở nhóm hàng khoáng sản và một số mặt hàng nông sản hoặc XK theo hình thức gia công, lắp ráp và phụ thuộc nguồn nhiên liệu nhập khẩu của nhiều mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, chưa sản xuất được sản phẩm đủ chất lượng, quy mô để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho doanh nghiệp XK.

Tiến tới xuất khẩu bền vững

Năm 2017 khép lại với những kết quả ấn tượng, là tiền đề thuận lợi cho tăng trưởng XK năm 2018, nhưng trở ngại cũng không ít. Tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn đang căng thẳng, tư tưởng ly khai xuất hiện nhiều nơi, chính sách bảo hộ mậu dịch rõ nét tại mọi cấp độ, cạnh tranh giữa các FTA, biến đổi khí hậu toàn cầu, xung đột sắc tộc, tôn giáo tràn lan,… Tuy không trực tiếp nhưng bối cảnh đó ảnh hưởng lớn đến các thị trường XK của nước ta, nếu xảy ra tại thị trường trọng điểm. Việt Nam hiện có hơn 200 đối tác thương mại khắp thế giới tại 29 thị trường XK và 23 thị trường nhập khẩu, nhưng giá trị kim ngạch tập trung chủ yếu vào một số ít địa bàn như Mỹ, châu Âu (Tây Âu chiếm ưu thế), châu Á ( nghiêng mạnh về Trung Quốc, Ðông Bắc Á, ASEAN). Rất nhiều địa chỉ khác trao đổi thương mại thấp rất nhiều so với tiềm năng như châu Phi, Ô-xtrây-li-a và Nam Mỹ, Nga, Ðông Âu, Trung Ðông, Tây Nam Á,… trong đó có không ít thị trường truyền thống và có nhiều người Việt Nam sinh sống. Việc mở rộng và đa dạng thị trường là khả thi nếu tận dụng tốt hơn các FTA đã ký, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với đối tác quan trọng. Vấn đề thị trường ngoài nước càng cấp thiết khi hiện nay chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang quay trở lại mạnh mẽ, cả cấp độ quốc gia và khu vực. Phần lớn đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam có nền kinh tế trình độ cao hơn cho nên họ có khả năng áp đặt các "rào cản kỹ thuật" lên chúng ta. Dường như con đường duy nhất là hợp tác và tuân thủ điều kiện mới (nhiều khi nghiệt ngã và có vẻ bất công). Có thể kể ra quy định IUU về nguồn gốc đánh bắt hải sản minh bạch của EU, đạo luật mới về an toàn thực phẩm FSMA (Mỹ), quy định gỗ tự nhiên "sạch" nguồn gốc khi chế tác sản phẩm gỗ của Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc các quy định về mức tồn dư hóa chất bảo quản, kháng sinh trong hải sản XK tại một số thị trường nhập khẩu trọng điểm. Có thể trước mắt, sự sụt giảm kim ngạch XK những mặt hàng chưa lớn, nhưng hệ lụy sẽ lâu dài và thiệt hại khó tính được, chưa kể ảnh hưởng to lớn đến thương hiệu Việt Nam nếu chậm xây dựng quy trình khép kín, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất (về chất lượng và nguyên liệu) đến khi ra sản phẩm,… kể cả phân phối, đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu, nhất là với nhóm hàng nông thủy sản XK.

Từ các FTA đã có hiệu lực, hàng XK Việt Nam được giảm thuế suất khi nhập khẩu vào những thị trường này, ưu thế hơn hàng cùng chủng loại của một số quốc gia gần gũi về địa lý. Ðã xuất hiện và có dấu hiệu ngày càng nhiều gian lận xuất xứ hàng hóa (C/O) và đã bị bên nhập khẩu cảnh báo. Có thể kể không ít lô hàng tôm đông lạnh hoặc thép mạ bị cáo buộc có nguồn gốc từ nước thứ ba. Hay mặt hàng thanh nhôm, gần như là sản phẩm hoàn chỉnh được nhập khẩu, qua công đoạn gia công không đáng kể là thay đổi quy cách, XK sang thị trường thứ ba có FTA với Việt Nam để lợi dụng xuất xứ Việt Nam. Hàm lượng gia công rất thấp, giá trị gia tăng tại Việt Nam rất nhỏ nhưng nguy cơ ảnh hưởng uy tín đất nước và khả năng bị kiện tụng, điều tra lại rất lớn. Vì thế, cơ quan nhà nước cần siết chặt quản lý và doanh nghiệp cần trung thực, minh bạch trong thực hiện "XK hộ" cho hàng nước ngoài. Cũng cần lưu ý một số mặt hàng tăng trưởng "đột biến" cả chiều XK và nhập khẩu như rau quả, xơ sợi, giấy các loại,…

Từ rất nhiều năm nay, tăng trưởng XK là một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế trong khi tăng trưởng XK lại dựa vào nhập khẩu. Khối FDI luôn chiếm hơn 70% và 60% tổng kim ngạch XK và nhập khẩu cả nước cho thấy mức độ chi phối nền kinh tế. Công nghiệp nước ta chủ yếu là gia công, lắp ráp. Khi công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, chúng ta nhập khẩu phần lớn tư liệu sản xuất, bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nguyên liệu, nhiên liệu. Do vậy, nhóm hàng công nghiệp chế biến XK chiếm khoảng 85% kim ngạch XK, tương ứng nhóm hàng cần nhập khẩu chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Nhóm hàng XK có giá trị cao nhất là điện thoại di động và linh kiện hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp FDI. Các nhóm hàng XK khác đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD tiếp sau cũng do doanh nghiệp FDI áp đảo. Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ rõ: so với khối doanh nghiệp trong nước, khối FDI hơn hẳn về hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh và vốn chủ sở hữu. Dù chúng ta đã thu hút được đầu tư của nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhưng rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất và mức độ tham gia cũng rất khiêm tốn. Do nội lực yếu, doanh nghiệp trong nước không kết nối được với doanh nghiệp FDI, nền kinh tế không tận dụng vốn đầu tư, công nghệ kỹ thuật, trình độ quản lý của khối này.

Cần thêm tiêu chí

Số liệu kim ngạch XNK là một tiêu chí quan trọng để đánh giá hoạt động XNK, nhưng chưa đủ. Nếu chỉ chú ý đến tốc độ tăng trưởng và giá trị hàng hóa XNK, phát triển "bằng mọi giá", sẽ đưa đến nhiều hệ lụy. Ðó là hủy hoại môi trường, lãng phí tài nguyên, suy kiệt đất đai, ô nhiễm nguồn nước, không khí,… Về xã hội là phân hóa giàu nghèo, khác biệt về thụ hưởng thành tựu phát triển kinh tế giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các địa phương, vùng, miền trong cùng một quốc gia. Ðô thị hóa quá nhanh, thành lập ồ ạt các khu công nghiệp,… có mặt tích cực là tạo ra những "đầu tàu" phát triển kinh tế, trong đó có XNK, nhưng cùng với đó là nông dân mất ruộng đất, người lao động chưa được chuẩn bị tác phong công nghiệp, sống tập trung mật độ cao cho nên không tránh khỏi đảo lộn nếp sống truyền thống, dễ phát sinh tệ nạn, là mầm mống gây bất ổn xã hội. Trong trung hạn và dài hạn, cần có thêm bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động XNK với định hướng trung tâm là lợi ích bền vững của cả đất nước và từng con người. Nếu chỉ đơn thuần qua con số sẽ không tránh khỏi "bệnh thành tích". Thử nêu một thí dụ đơn giản về một hiện tượng không lớn đang diễn ra trong hoạt động XNK tại nước ta hiện nay: một doanh nghiệp thuộc địa phương nào đó, nhập khẩu một sản phẩm đơn giản có hàm lượng công nghệ thấp, mang về hoàn chỉnh rồi XK. Sản phẩm này có giá trị gia công thấp, giá trị gia tăng trên đất Việt Nam không đáng kể, dù tạo thêm việc làm và mang lại doanh số XNK ấn tượng. Hành vi này không sai, nhưng về lâu dài, sẽ góp phần kéo dài tụt hậu, nhất là thời điểm chúng ta đang chuẩn bị bước vào cuộc cách mạng 4.0.

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc